Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát huy hiệu quả các công trình

Do đặc thù địa lý và địa hình, Ninh Thuận thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Số liệu quan trắc thực tế cho thấy, xu thế biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận trong 30 năm qua diễn biến nhanh chóng. Cụ thể, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng 0,03 độ C/thập kỷ; lượng mưa năm có xu thế tăng 38mm/thập kỷ; mực nước biển trung bình có xu thế tăng khoảng 5,1 mm/năm và tiếp tục xu hướng tăng.

Thời gian qua, biến đổi khí hậu tác động xấu đến số lượng và chất lượng nguồn nước, gây xâm nhập mặn, nguy cơ sạt lở đất... ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh đầu tư nhiều dự án nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, đập, phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ứng phó thiên tai, triều cường... Đồng thời, xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, địa phương đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, liên thông hồ chứa phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 22 hồ chứa, tổng dung tích hơn 417 triệu m3. Trong đó, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với cụm đầu mối hồ sông Cái dung tích trên 219 triệu m3, đập dâng Tân Mỹ và hệ thống các tuyến kênh đang tiếp tục được hoàn thiện không chỉ cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc-ta đất canh tác mà còn góp phần điều tiết dòng chảy, phòng chống hạn hán, lũ lụt.

Tương tự, để ngăn mặn, tạo nguồn nước phục vụ sản xuất, công trình đập hạ lưu sông Dinh kết hợp đường giao thông nối đôi bờ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng được đưa vào sử dụng thời gian qua đã phát huy hiệu quả ngăn chặn xâm nhập mặn do ảnh hưởng thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ sông. Đập sông Dinh tạo thành hồ chứa nước ngọt có dung tích khoảng 3,5 triệu m3 nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cải thiện môi trường, phát triển giao thông, du lịch trong khu vực.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng môi trường sống và cải tạo cảnh quan đô thị, Ninh Thuận triển khai dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm", tổng mức đầu tư hơn 2.253 tỷ đồng, triển khai ở 16 phường, xã của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, góp phần cải thiện điều kiện sống cho 69.000 người dân thành phố. Thành công của dự án đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình đô thị hóa của Phan Rang - Tháp Chàm và là minh chứng rõ nét cho hợp tác hiệu quả giữa chính quyền địa phương, người dân, tổ chức quốc tế.

Nâng cao khả năng ứng phó

Nhằm giảm thiểu thiệt hại, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương trình đề xuất 103 nhiệm vụ, dự án thuộc 9 nhóm lĩnh vực, ngành để thực hiện giai đoạn 2021 - 2030; trong đó địa phương ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực như thủy lợi, nông nghiệp, năng lượng và xây dựng hạ tầng. Nguồn kinh phí dự kiến huy động thực hiện trên 29.555 tỷ đồng.

Ninh Thuận đặt mục tiêu kiểm soát tình trạng suy thoái tài nguyên nước, đất đai, rừng, đa dạng sinh học; đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng; giữ vững độ che phủ rừng ổn định, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng biển khí hậu và phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững.

Tỉnh đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành công tác khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; 100% hồ chứa và công trình khai thác, xả nước thải vào nguồn nước được cấp phép phải có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến. Địa phương phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 49%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 12,96% diện tích đất liền tự nhiên trở lên, diện tích vùng biển và ven biển được bảo tồn đạt ít nhất 6,3% diện tích tự nhiên vùng biển của tỉnh; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 95%. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền thông tin, để đạt mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, tỉnh tăng cường xây dựng công trình hạ tầng trọng yếu ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt công trình phòng, chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập lụt ở đô thị, khu dân cư. Đồng thời xây dựng mới một số hồ chứa lớn đa mục tiêu tại vùng hạn hán, vùng khan hiếm nước.

Địa phương tập trung nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp, năng lượng và thương mại, cơ sở sản xuất công nghiệp. Tỉnh thu hút đầu tư mới để phát triển các khu công nghiệp giảm phát thải và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển khu công nghiệp phát thải ròng bằng “0”. Đồng thời tiếp tục phát triển dự án điện năng lượng tái tạo; hạn chế cấp phép đầu tư đối với dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch.

Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, cảnh báo khí tượng thủy văn, quản lý chất thải, kiểm soát chất lượng môi trường, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác triển khai chương trình phục hồi, bảo vệ nguồn gen quý hiếm và đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi rừng, góp phần phát triển bền vững./.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?