Tại Kiên Giang có 78 dự án du lịch đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 18.344 tỷ đồng; 85 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 228.716 tỷ đồng; 154 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư thực hiện 161.117 tỷ đồng.
Riêng thành phố Phú Quốc - hòn đảo du lịch lớn nhất Việt Nam, có 274 dự án, chiếm hơn 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, với tổng diện tích 9.485 ha, tổng vốn đầu tư 388.410 tỷ đồng. Trong đó, có 50 dự án được khai thác và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 16.339 tỷ đồng; 76 dự án đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư 212.250 tỷ đồng; còn lại 148 dự án được chấp thuận chủ trương và đang thực hiện các thủ tục đầu tư, với tổng vốn đầu tư thực hiện 159.821 tỷ đồng.
Kiên Giang quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của mỗi vùng, gồm: Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất, Hà Tiên - Kiên Lương, U Minh Thượng và Phú Quốc. Trong đó, vùng biển đảo Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ quốc tế chất lượng cao của khu vực và thế giới. Vì vậy, thời gian qua, "đảo ngọc Phú Quốc" đã thu hút nhiều nhà đầu tư uy tín, chất lượng, tiềm lực tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch ở trong và ngoài nước đến đầu tư tạo nên một diện mạo du lịch Phú Quốc phát triển bậc nhất vùng châu thổ sông Cửu Long, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên,việc thu hút đầu tư phát triển của các vùng du lịch trên địa bàn tỉnh không đồng đều, phần lớn tập trung ở thành phố biển đảo Phú Quốc. Ba vùng du lịch còn lại thu hút đầu tư quy mô nhỏ, thiếu sản phẩm tốt, hoạt động kinh doanh du lịch chưa đồng bộ, tính chuyên nghiệp chưa cao…
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang chia sẻ, ngoài Phú Quốc, các địa phương vùng du lịch trọng điểm lúng túng trong quy hoạch chi tiết phát triển các khu, điểm du lịch nên gặp khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chậm bồi hoàn giải tỏa, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, triển khai các dự án chậm, đầu tư kéo dài thời gian thực hiện. Mặt khác, các vùng du lịch xa trung tâm thành phố, giao thông đi lại khó khăn; các tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn tỉnh, tuyến đường đấu nối từ quốc lộ vào các khu, điểm du lịch phần lớn xuống cấp nên việc phát triển tour, tuyến du lịch đường bộ kết nối đến Kiên Giang không thuận lợi, đặc biệt là kêu gọi, thu hút đầu tư gặp nhiều trở ngại.
Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tại 3 vùng du lịch trọng điểm Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất, U Minh Thượng và phụ cận lập đề xuất dự án đầu tư du lịch có sử dụng đất đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư trong giai đoạn sau năm 2024. Các địa phương khuyến khích hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư cho phát triển hạ tầng du lịch; huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch…
Kiên Giang tập trung thực hiện các đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương cùng với ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải…; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các khu, điểm du lịch với hệ thống giao thông của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh đẩy mạnh mời gọi, thu hút đầu tư du lịch.
Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho hay, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhằm huy động, khơi thông hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dự án lớn đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh; phối hợp các ngành chức năng, đơn vị liên quan, hãng hàng không xúc tiến mở đường bay mới trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến với Kiên Giang. Đơn vị tiếp tục xúc tiến, quảng bá, mở rộng liên kết, hợp tác và đặc biệt đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư, góp phần thu hút đầu tư.
Mục tiêu gần của tỉnh là đến năm 2025, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; đón 10,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP.
Đến năm 2030, ngành “công nghiệp không khói” đáp ứng các tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn, thực sự mang tính bền vững, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan; đón 23,6 triệu lượt du khách trở lên, tổng doanh thu từ du lịch đạt 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP./.