Theo số liệu của ngành chức năng, tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 195 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số lượng HTX của tỉnh. Doanh thu bình quân khoảng 1,035 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/ năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm; số lượng thành viên là 3.091 thành viên.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các ngành, địa phương đánh giá, trong những năm qua, kinh tế tập thể, kinh tế HTX và đặc biệt là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, góp phần vào quá trình tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nói về sự phát triển của các HTX nông nghiệp, ông Nguyễn Quang Hòa- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết: Các HTX nông nghiệp chủ động vươn lên, hầu hết đã kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí người có năng lực, trách nhiệm cao vào các vị trí chủ chốt ở các khâu công việc; khoảng 60% cán bộ quản lý của HTX nông nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học. Các HTX tạo được sự chuyển biến cơ bản về quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối; chú trọng sử dụng phương thức khoán và hợp đồng dịch vụ trong các khâu để phát huy vai trò làm chủ của thành viên. Trên 60% số HTX nông nghiệp đã có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các HTX nông nghiệp thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Trong đó, có một số HTX tiêu biểu như HTX Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo (thành phố Kon Tum), HTX nông nghiệp Công bằng Pô Kô (huyện Đăk Hà), HTX Rau hoa và du lịch Thanh Niên (huyện Kon Plông) HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Rạng Đông (huyện Đăk Tô), Hợp tác xã Đoàn Kết (huyện Sa Thầy).
Một số mô hình HTX mới hình thành cũng đã được đông đảo thành viên tham gia như HTX Dược liệu- Du lịch Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông); HTX Du lịch- Nông nghiệp Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum); HTX Dịch vụ nông nghiệp Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù có tăng về số lượng và có những chuyển biến về chất lượng, song sự phát triển của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường.
Hiện tại, trên 97 % HTX nông nghiệp có quy mô thành viên siêu nhỏ (dưới 50 thành viên), 51,8%, quy mô vốn siêu nhỏ (có mức vốn dưới 1 tỷ đồng) 42,4%, hợp tác xã có quy mô vốn nhỏ (từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng). Hầu hết HTX nông nghiệp đều thiếu vốn kinh doanh, giá trị tài sản thấp và khó tiếp cận tín dụng.
Mức độ tham gia của các HTX nông nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ở mức thấp; số lượng hợp tác xã có ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên và HTX và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX nông nghiệp.
Một số HTX nông nghiệp được thành lập, nhưng không xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của hộ nông dân. Vì vậy, các thành viên còn thiếu sự gắn bó, hợp tác, liên kết và không tích cực tham gia vào hoạt động của HTX dẫn đến HTX hoạt động cầm chừng hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Theo ông Nguyễn Quang Hòa, để HTX nông nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, cần tăng cường củng cố, đổi mới, xây dựng HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc hoạt động sản xuất của các HTX nông nghiệp chưa hiệu quả, xây dựng HTX nông nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tính đặc thù, điều kiện của địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của hộ nông dân. Đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và hộ nông dân để hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, HTX nông nghiệp là cầu nối trung gian giữa doanh nghiệp và người dân.