Cá chép hàn tính, bổ dưỡng nhưng có mùi rêu đặc trưng rất khó chế biến, tuy nhiên khi kết hợp với thì là thì mùi rêu biến mất, chưa kể tinh dầu từ rau thì là cho món riêu cá chép thơm ngon tuyệt đỉnh.
Làm sao để chế biến nước riêu vừa có vị ngọt lại vừa có vị chua, cay là một chuyện không hề đơn giản. Thế nhưng, chỉ cần biết công thức và có vị giác tốt là chúng ta đã có thể “chinh phục” được món ngon này.
Bí quyết đầu tiên là bạn phải chọn cá chép thật tươi. Cá chép mua về rửa sạch, bỏ ruột, không đánh vảy. Cũng có một số người đánh vảy cá, nhưng để vảy thì khi chiên lên lớp vảy sẽ tạo mùi thơm và độ giòn nhẹ . Sau đó chiên sơ cá chép qua dầu để khử tanh, đồng thời giúp cá có màu vàng đẹp bắt mắt hơn. Việc này còn giữ được vị ngọt của thịt cá.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Cá chép: 400 g, Cà chua: 4 quả, Dưa chua: 1 bát con, Gừng: 1 nhánh nhỏ, Hành lá, thì là, rau dăm- 1-2 quả ớt (tùy thích), Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, bột canh, mì chính.
Sau khi chế biến sơ cá chép, phần nấu riêu chiếm khá nhiều công sức. Theo công thức: Phi thơm tỏi với dầu ăn, cho cà vào xào cho lên màu. Thêm vào một bát nước, nấu sôi. Khi nước sôi cho khế, muối, hạt nêm, bột ngọt, mẻ vào đun sôi lần nữa. Sau đó cho cá vào, đun cho cá chín đều, cho thì là, hành lá vào.
Chỉ cần nêm nếm chệch một chút là nước riêu đã không đạt yêu cầu. Có thể tăng hoặc giảm vị chua bằng cách nêm thêm mẻ và khế, hoặc măng chua. Còn vị cay, có thể sử dụng ớt hoặc sa tế.
Cá chép nấu riêu nên ăn nóng (vì cá chép để nguội hay bị tanh) cùng bún, cơm hoặc kèm rau sống như rau muống, bắp chuối, dọc mùng. Ngoài mùi vị độc đáo, riêu cá chép còn có tác dụng giải nhiệt và giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.