Trong khuôn khổ của Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020 diễn ra ngày 7/10/2020; tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) sẽ có một triển lãm ảnh đặc biệt: Triển lãm ảnh “Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội” của Trần Chính Nghĩa.
Đây có thể xem là lần đầu tiên ra mắt một phần (gần 30 bức) của bộ ảnh đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái, xứng đáng với tên gọi “Trăm năm một tình yêu Hà Nội”.
Vào một ngày đầu tháng 8, Ban tổ chức Giải đã gõ cửa căn nhà số 11 Hàng Bông, vốn là “Gác Lưu xá” một thời – tên do “Ông đồ” Vũ Đình Liên đặt cho nơi ở của nhiếp ảnh gia kháng chiến nổi tiếng Trần Văn Lưu. Con trai nhà nhiếp ảnh – anh Trần Chính Nghĩa, vẫn ở đó. Sau khi khi Ban tổ chức Giải ngỏ lời muốn có một triển lãm ảnh nho nhỏ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái, Trần Chính Nghĩa cho hay, anh có khá nhiều phim chụp “bác Phái”, nhưng chúng vẫn nằm đâu đó trong kho phim khổng lồ của mình, chưa lọc ra được, trừ một vài bức được giới thiệu rải rác ở đâu đó, trong đó có bức “Thiên vấn” (Hỏi trời) nổi tiếng chụp chân dung danh họa với phông nền là bức tranh phố cổ đã được sử dụng để làm logo Giải thưởng, đồng thời đang được in lên tem bưu chính.
Một tuần lễ sau, Trần Chính Nghĩa gọi điện thông báo: Mới lọc trong 1 thùng phim mà đã chọn được 101 bức ảnh về Bùi Xuân Phái.
Những bức ảnh đen trắng của Trần Chính Nghĩa đem lại cho người xem một cảm giác chỉ có thể nói là kinh ngạc khi cả một quá khứ sống động về cuộc đời nghệ thuật của Bùi Xuân Phái từ những năm 1970 đến cuối đời (1988) được hiển bày, dường như ở dưới mọi góc độ.
Tập trung nhất là xung quanh quá trình chuẩn bị và diễn biến của cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái, do Hội Mỹ thuật tổ chức ngày 22/12/1984. Có rất nhiều khoảnh khắc thường nhật của họa sĩ Bùi Xuân Phái, khi đang vẽ tranh trong sân chung của căn nhà số 87 Thuốc Bắc, trước cửa sổ nhà ông, hoặc khi ngồi thảnh thơi bên những tác phẩm mới của mình, năm 1984. Trần Chính Nghĩa cho hay, chuẩn bị cho cuộc triển lãm năm 1984, hầu như đều đặn hàng tuần, anh đều đến nhà riêng của họa sĩ Bùi Xuân Phái để chụp lại tranh cho ông.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, cả vui lẫn buồn. Đây là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc thất thần của họa sĩ Bùi Xuân Phái ngồi trên gác xép cạnh đống đồ đạc, khi bom đạn chiến tranh rơi trúng mái nhà 87 Thuốc Bắc năm 1972, khiến nhiều bức họa của ông bị rách nát.
Xúc động nhất là bức ảnh chân dung năm 1987. Khi đó Bùi Xuân Phái cần chụp một bức ảnh chứng minh thư để dán vào y bạ tại Bệnh viện Việt – Xô, ông đã nhờ người cháu thân thiết của mình đến chụp. Đến nhà họa sĩ, thấy không có bức tường nào có thể dùng làm phông nền mà chỉ toàn tranh là tranh nên nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa đã chọn nền là bức tranh Chèo của Bùi Xuân Phái để chụp ảnh. Nhận được ảnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái rất ưng: “Nghĩa chụp hợp quá. Bức ảnh có hồn, không ra ảnh chứng minh thư nhưng làm ảnh dán vào y bạ thì được. Ảnh chụp mình cũng không bị gầy quá”.
Một thời gian sau, khi họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, bà Phái đã gọi điện nhờ Trần Chính Nghĩa chọn một bức ảnh đẹp để phóng ra chuẩn bị cho tang lễ. Anh đã chọn chính bức ảnh dán y bạ này. Sau này, bà có đến nhà anh, nhiều lần cảm ơn bởi “đã chụp được một bức ảnh mà khi nhìn vào đó, bác luôn nghĩ ông vẫn như đang còn sống”.
Thì ra, trong một khoảng thời gian dài, Trần Chính Nghĩa đã chụp hàng ngàn bức ảnh về cuộc đời và các sáng tác của Bùi Xuân Phái, trong đó có những khoảnh khắc đã trở nên vô giá, bởi chúng không chỉ tái hiện những hình ảnh đời thường của một danh họa với những buồn vui trong đời, những mối quan hệ đẹp đẽ giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, giữa con người với con người một thời; mà còn bộc lộ được thần thái, cốt cách cùng những trăn trở của một thiên tài nghệ thuật. Anh chụp tất cả những bức ảnh này bởi một lý do thật đơn giản: bác Phái là tri kỷ của cha anh – cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu – cho nên hễ khi nào thấy bác Phái đến nhà, hoặc thấy bác Phái đi đâu, hoặc được bác Phái gọi là anh cầm máy ảnh đi chụp. Chụp như một lời chào bác, như một thói quen. Đặc biệt, hễ khi nào bác Phái vẽ xong một bức tranh ưng ý là thể nào cũng gọi anh tới chụp để lưu giữ lại hình ảnh. Vào giai đoạn mà phim chụp ảnh vô cùng đắt đỏ, Trần Chính Nghĩa vẫn không ngại ngần “đốt” biết bao cuộn phim vì bác Phái (may mà anh buôn bán vật tư ảnh nên cũng có tiền). Tất cả chỉ vì quý mến con người bác, chứ bản thân anh cũng không thể ngờ rằng, đến nay tất cả những gì anh chụp đã trở thành di sản.
Sau tất cả, toát lên từ những bức ảnh đó là một tình yêu trọn vẹn, một sự gắn bó máu thịt của Bùi Xuân Phái với Hà Nội. Người ta thấy hiện lên một Bùi Xuân Phái với “Trăm năm một tình yêu Hà Nội”, với "Phố Phái" – "Phái Phố". Hẳn rằng ở bên kia thế giới, họa sỹ Bùi Xuân Phái cũng cảm thấy ấm lòng bởi sau hơn 30 năm, “thằng cháu” Trần Chính Nghĩa vẫn trân trọng lưu giữ tất cả những hình ảnh về mình, vẫn kể lại từng câu chuyện về mỗi bức ảnh như thể mọi thứ mới diễn ra hôm qua.
Triển lãm nằm trong khuôn khổ Lễ trao giải Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức hướng về Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội; cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái (1/9/1920 - 2020). Triển lãm sẽ trưng bày đến hết Chủ Nhật, 11/10/2020.