Trong nhiều năm qua, 8.000 hoạ sĩ ở làng Dafen, miền nam Trung Quốc, đã “đạo nhái” vô số kiệt tác của những danh hoạ nổi tiếng thế giới. Vào thời kỳ đỉnh cao, cứ 5 bức tranh sơn dầu được bán trên toàn thế giới thì 3 trong số đó được vẽ bởi những hoạ sĩ tại làng Dafen. Trong nhiều năm, những bức vẽ “sao chép” từ ngôi làng này được bán tràn lan ở nhiều nơi trên thế giới, như tại châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra, hoạt động kinh doanh tranh “giả” của làng Dafen bắt đầu chững lại, và đến khi đại dịch COVID – 19 vào năm 2020 bùng phát, mọi thứ dường như tê liệt.
Một số hoạ sĩ tại làng Dafen sau đó đã quyết định “giải nghệ” và đóng cửa studio của họ. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, một số người đã nhận thấy “trong nguy có cơ” – cơ hội để trở thành một người họa sĩ đúng nghĩa, bằng cách sáng tạo nghệ thuật phục vụ thị trường trong nước, bởi chỉ riêng năm 2021, tỷ lệ giao dịch mua bán tranh tại Trung Quốc đã tăng 35%.
Hoạ sĩ Zhao Xiaoyong, sinh sống tại làng Dafen từ năm 1977, cho biết anh từng bán những bức sao chép tranh của danh hoạ Van Gogh với giá chỉ khoảng 1.500 nhân dân tệ (220 USD) mỗi bức, trong khi những tác phẩm mà sau này anh sáng tạo có giá lên tới 50.000 nhân dân tệ (7300 USD).
“Trước đây, trong làng chúng tôi hoạt động như một dây chuyền lắp ráp, mỗi họa sĩ sẽ phụ trách vẽ một phần nhỏ trong một tác phẩm lớn, chẳng hạn như mắt hoặc mũi, sau đó sẽ có một họa sĩ khác vẽ tay chân hoặc tay áo sơ mi”, anh Zhao kể lại.
Sau nhiều năm cho ra đời những “kiệt tác giả”, Zhao cuối cùng cũng đã tiết kiệm đủ tiền để đến thăm Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và bệnh viện Saint-Paul ở miền nam nước Pháp, nơi danh hoạ này đã vẽ bức tranh nổi tiếng “Đêm đầy sao”.
“Khi bước đến những nơi này, tôi cảm thấy như mình đã có thể bước vào thế giới của Van Gogh, thay vì chỉ sao chép những nét vẽ của ông ấy như trước đây”, Zhao chia sẻ. “Tôi nhận ra mình phải thoát ra khỏi cái bóng của Van Gogh và mang lại sức sống cho những suy nghĩ của mình”.
Hoạ sĩ Zhao Xiaoyong sau đó đã vẽ một bức tranh theo phong cách của Van Gogh, thể hiện sự thay đổi của làng tranh sơn dầu Dafen: bức tranh vẽ Zhao đang cầm một trong những bức chân dung tự họa của danh họa người Hà Lan, trong khi những người đồng nghiệp của anh đang ngủ gục trên bàn.
Hoạ sĩ Zhao Xiaoyong bên những bức tranh của mình tại làng Dafen, Trung Quốc. |
Wu Feimin, một hoạ sĩ khác ở làng Dafen cũng đang nỗ lực tách mình khỏi công việc “đạo nhái” tranh, đã tạo ra một thị trường “ngách”, chuyên bán các tác phẩm nghệ thuật theo chủ đề Phật giáo.
“Trước đây, tôi đã từng sao chép tác phẩm của Picasso, nhưng bây giờ tôi đã tìm được phong cách riêng cho chính mình”, anh Wu chia sẻ, khi đang thao tác vẽ màu cho bức tranh chân dung Đức Phật của mình.
“Phải mất hàng tuần, đôi khi là hàng tháng, để hoàn thành một bức tranh”, anh Wu cho biết thêm về quá trình chuẩn bị cho các cuộc triển lãm cá nhân tại ngôi làng Dafen và trung tâm công nghiệp giàu có – Quảng Châu. “Hướng đi này chắc chắn có nhiều rủi ro hơn, nhưng hiệu quả kinh tế, tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ tốt hơn”.
Một số hoạ sĩ khác trong làng Dafen chia sẻ rằng, trong thời điểm đại dịch lan rộng, họ đã lựa chọn tham gia các khoá học dạy vẽ tranh phong cảnh truyền thống đặc trưng của Trung Quốc. Họ đã thậm chí đã học lại cách vẽ những ngọn núi hay những cây liễu rủ.
“Những khách hàng Trung Quốc giàu có thường có xu hướng muốn tìm đến tác phẩm hội hoạ có dấu ấn đặc trưng riêng của Trung Quốc”, Yu Sheng, một giáo viên mỹ thuật theo phong cách cổ điển trong làng Dafen, nhấn mạnh.
Mặc dù vẫn tiếp tục kiếm sống bằng cách chế tác bản sao từ những tác phẩm nghệ thuật của phương Tây, Yu Sheng cũng cũng đã sáng tạo được những bức hoạ của riêng mình. Người hoạ sỹ này muốn quyết tâm thâm nhập thị trường nội địa béo bở tại Trung Quốc thông qua việc vẽ chân dung cho những người giàu có.
“Kỹ thuật của chúng tôi đang tốt dần lên khi vẽ hàng ngày, nhưng chúng tôi không có mối liên hệ với những người buôn tranh ở các thành phố lớn”, anh Yu cho biết. “Điều quan trọng hơn cả là các tác phẩm của chúng tôi phải tiếp cận được với những người yêu hội hoạ tại Trung Quốc, và phải được công nhận. Chúng tôi phải học cách ‘uốn cong như cây tre’, phải thích ứng với nhu cầu của xã hội”.