Thế giới vứt đi 100 tỷ USD mỗi năm
Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), 1/3 số đồ ăn thức uống được sản xuất bị bỏ đi trên toàn thế giới bởi thói quen tiêu dùng chưa hợp lý của con người. Con số này đủ để nuôi sống người nghèo, người vô gia cư tại châu Phi, châu Âu và châu Mỹ trong vòng một năm.
Lãng phí thực phẩm cũng dẫn gây ra lãng phí về tiền bạc. Mỗi năm thế giới vứt đi khoảng 100 tỷ USD vì lãng phí thực phẩm. Các thực phẩm bị bỏ đi nhiều nhất là rau củ, cá, ngũ cốc, trứng và sữa.
Dựa trên khái niệm của Liên minh châu Âu (EU), lãng phí thực phẩm có nghĩa là bỏ đi, không sử dụng bất cứ loại đồ ăn, thức uống nào dù còn sống hay nấu chín, một cách vô tình hay cố ý. Tình trạng đáng báo động nói trên không chỉ xảy ra với người tiêu dùng mà còn xuất hiện ở khâu sản xuất, chế biến và phân phối ngoài thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, tình trạng lãng phí thực phẩm đang diễn ra rất khác nhau ở từng khu vực trên thế giới. Tại các nước thu nhập thấp, sự lãng phí thức ăn xảy ra trong quá trình sản xuất còn ở những nước phát triển và đang phát triển, hầu hết thức ăn bị phí phạm do thói quen sử dụng của người tiêu dùng – con số này lên tới hơn 100kg/người mỗi năm.
Trong đời sống xã hội, khoảng 24-35% các bữa ăn trưa hàng ngày của học sinh đã bị bỏ phí. Các thực khách đến dùng bữa tại nhà hàng cũng thường bỏ thừa 2/5 lượng đồ ăn trên đĩa. Trong khi đó các nhà hàng lại ngày càng có xu hướng nấu nhiều thức ăn hơn nhu cầu của mỗi vị khách để thể hiện sự phong phú trong chế biến. Thực trạng vô số loại thực phẩm đã nấu hay còn chưa sử dụng bị bỏ đi sau mỗi ngày kinh doanh là điều thường thấy trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Khoảng 10% lượng khí nhà kính tại các quốc gia đang phát triển được cho là sản sinh từ đồ ăn thừa bị vứt đi. Cuộc điều tra của Ủy ban bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) về nền công nghiệp chế biến thực phẩm ở nước này đã chỉ ra những con số hết sức kinh ngạc. Hàng năm có đến 31 triệu tấn thực phẩm ở Mỹ không được sử dụng đúng mục đích mà lại kết thúc ở các bãi rác thải.
Số đồ ăn bị lãng phí mỗi năm này có giá trị thực lên tới 165 tỷ USD, đủ để nuôi sống cho 2 tỷ người thiếu ăn. Một khía cạnh khác, lượng rác thải khổng lồ từ thực phẩm bỏ đi còn sản sinh ra 4,2 tấn khí CO2 , tương đương với 1/4 lượng khí thải của tất cả các xe ôtô tại Mỹ thải ra môi trường trong năm. Tương tự, số thức ăn thừa ở Úc cũng góp phần tạo ra 23% khí nhà kính gây ô nhiễm tại quốc gia này.
Trong khi đó, để cung cấp thịt và các sản phẩm từ bơ sữa cho thị trường Anh, Mỹ, nông dân đã khai thác khoảng 8,3 triệu ha đất chăn nuôi gia súc. Diện tích này lớn hơn 7 lần diện tích rừng Amazon ở Brazil bị tàn phá mỗi năm nhằm cung cấp quỹ đất cho chăn nuôi, trồng trọt.
Từ đồ bỏ đi đến thực phẩm hữu ích
Một trong những cách làm đơn giản nhất để giải quyết vấn đề rác thải từ đồ ăn thừa là biến chúng thành thực phẩm chăn nuôi gia súc. Biện pháp xử lý đơn giản này được các nhà khoa học tính toán giúp giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường hiệu quả hơn gấp 500 lần so với việc đem rác tới các lò ủ thành khí metan. Dù vậy, luật pháp tại các nước châu Âu đang không hậu thuẫn việc sử dụng thức ăn bỏ đi để chăn nuôi gia súc. Cơ hội “tái chế” thực phẩm có vẻ cởi mở hơn tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tại khu vực Ðông Nam Á, xu thế ngăn chặn lãng phí thực phẩm, đưa ra những sáng kiến nhằm hỗ trợ người nghèo và tạo nguồn thu từ thức ăn bị bỏ đi đã bắt đầu nổi lên trong những năm gần đây.
Từ năm 2020, Singapore ghi nhận 665.000 tấn rác thải thực phẩm, tương ứng khoảng 11% tổng lượng rác thải ở nước này. Theo luật mới tại Singapore, từ năm 2024, các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm tạo ra lượng rác thải lớn sẽ phải phân loại và có biện pháp xử lý phù hợp.
Ông Rayner Loi, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp Lumitics có trụ sở tại Singapore chuyên khai thác trí thông minh nhân tạo (AI) cho hoạt động theo dõi rác thải thực phẩm, đánh giá nhiều khách sạn và hãng hàng không đang tìm cách giải quyết bài toán lãng phí thực phẩm. Đặc biệt sau đại dịch, các tiêu chí về tiêu dùng bền vững đang được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Lumitics đã phát triển một thiết bị truy dấu được trang bị công nghệ AI lắp trong các thùng rác. Qua đó giúp các đơn vị định lượng và nhận diện mọi loại rác thải thực phẩm. Theo đơn vị này, thiết bị có thể giúp giảm 40% thực phẩm bị lãng phí và khoảng 8% chi phí thực phẩm.
Các đối tác của Lumitics có các chuỗi khách sạn nổi tiếng như Accor, Hyatt, Marina Bay Sands và các hãng vận chuyển như hãng hàng không Singapore và Etihad. Công ty dự định sẽ mở rộng ra 1.000 địa điểm trên toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương bước đầu với Úc, Malaysia, Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc).
Một công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực chống lãng phí thực phẩm có thể kể đến Yindii đặt trụ sở tại Thái Lan. Yindii đã triển khai ứng dụng để kết nối các cư dân thủ đô Bangkok, đặc biệt là những người thu nhập thấp, với các tiệm làm bánh, các chuỗi cà phê và nhà hàng. Hằng ngày, các doanh nghiệp sẽ báo số lượng hàng tồn trong mục “hộp bất ngờ” của ứng dụng, khách hàng có thể vào mục này để mua thực phẩm với giá chiết khấu 50-80% và được giao hàng đến tận nhà.
Theo chuyên gia William Chen, Đông Nam Á là khu vực rất dễ chịu tác động của tình trạng lãng phí thực phẩm với đặc thù có nhiều trang trại quy mô nhỏ, phụ thuộc vào các hoạt động chăn nuôi những đàn gia súc đông đúc, thiếu các phương tiện để đầu tư cho các công nghệ nông nghiệp hiệu quả hơn.
Những bước đi đầu tiên ở Việt Nam
Với mô hình học hỏi từ các quốc gia phát triển, Food Bank Việt Nam (Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam) là mạng lưới mới mẻ kết nối các tổ chức thiện nguyện trong việc hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm. 5 năm vừa qua, doanh nghiệp xã hội này đã giúp đỡ hàng trăm ngàn người nghèo, người thiếu thực phẩm trong cả nước.
Nằm trong mạng lưới Food Bank toàn cầu, Food Bank Việt Nam không chỉ phấn đấu trở thành đơn vị ký gửi thực phẩm mà còn tạo ra cách làm mới trên nền tảng công nghệ và sự kết nối.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch mạng lưới Food Bank Việt Nam, bên cạnh mục tiêu chống lãng phí thực phẩm, cho biết doanh nghiệp mong muốn thay đổi nhận thức cộng đồng về việc chống đói, sử dụng thực phẩm hợp lý; coi đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, là con đường để xã hội phát triển bền vững.
Food Bank Việt Nam đã tìm kiếm, huy động được một hệ thống Food Bank mini rộng khắp trong toàn quốc. Đó là các bếp ăn tại địa phương đã hoạt động từ thiện hàng chục năm, giúp họ hoàn thiện quy trình cũng như tiếp nhận thực phẩm, đảm bảo an toàn, cân đối các nguồn lực nhằm đưa thực phẩm đến tận tay người nghèo khó, hạn chế tối đa lãng phí.
Song song với việc giải quyết vấn đề thiếu ăn, Food Bank Việt Nam cũng tham gia vào các chiến dịch giải cứu nông sản, từng tạo nên trào lưu hỗ trợ tiêu thụ nông sản “Farm to Food Bank” (Từ nông trại tới ngân hàng thực phẩm - PV).
Cụ thể, khi nông sản ùn ứ trên cánh đồng, doanh nghiệp xã hội này tới từng vùng nguyên liệu, thu mua giúp bà con. Thông thường, Food Bank Việt Nam sẽ hỗ trợ người nông dân bằng cách đưa giá tốt hơn thị trường, sau đó vận chuyển thực phẩm về các thành phố lớn, tiêu thụ hoặc chế biến trong các bếp ăn tình thương.
Hiện tại, doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép xây dựng quỹ NGO phát triển cộng đồng Food Bank. Mục tiêu hướng tới trong lộ trình của đơn vị là phấn đấu đến năm 2028 có thể góp ý kiến, tác động vào hệ thống chính sách tại Việt Nam để luật hóa chống lãng phí thực phẩm.