Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới - Di sản Văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hàng trăm công trình di tích được tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng nghiên cứu, bảo tồn một cách bài bản và phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại trong đời sống đương đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội thảo. |
Đặc biệt, Trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế. Việc lập quy hoạch mới lần này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho quá trình bảo vệ, phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế cho hiện tại và tương lai.
Các đại biểu tìm hiểu Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao đơn vị lập quy hoạch có những góc nhìn đa chiều về thực trạng quá trình bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay; bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế di sản; mô hình bảo tồn di sản bền vững trên thế giới; định hướng phân vùng bảo vệ di tích…
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, Cố đô Huế là đô thị di sản hiếm có còn tồn tại tương đối hoàn chỉnh duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Công tác lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần có sự kế thừa những thành tựu quy hoạch trước đó từ thời vua Gia Long đến giai đoạn Pháp thuộc.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu phát biểu tại Hội thảo. |
Việc bảo tồn các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay cần có sự chung tay từ cộng đồng dân cư để người dân được hưởng lợi từ di tích, cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi sinh sống cạnh những di sản văn hóa mà thế giới vinh danh. Những di sản văn hóa Huế đang có cần trở thành nguồn tài nguyên cho ngành công nghiệp văn hoá dịch vụ, trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…
Sau khi lấy ý kiến chuyên gia, sở, ngành địa phương và người dân, tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng phê duyệt trong tháng 1/2024./.