Các nhà khoa học đến từ Trung Quốc và Đức phân tích mẩu gỗ và đá bị đốt từ vại gốm trong các ngôi mộ và kết quả trùng khớp với thành phần hóa học của cần sa, trong đó có lượng lớn tetrahydrocannabinol (THC), chất kích thích thần kinh chính ở loài cây này. Trong nghiên cứu công bố hôm 12/6 trên tạp chí Science Advances, nhóm tác giả kết luận cần sa có thể được sử dụng trong các nghi thức mai táng như một cách giao tiếp với thần linh hoặc người chết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn liệu người xưa có hút cần sa theo cách tương tự ngày nay hay không. Nhiều khả năng cần sa được đốt như hương trong không gian kín để hít. Tiến sĩ Nicole Boivin, giám đốc cục Khoa học Lịch sử Nhân loại ở Viện Max Planck, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết người cổ đại đốt cần sa trên đá nóng bên trong lò hương bằng gỗ. Theo tiến sĩ Boivin, đây là cách duy nhất để hít cần sa trước khi xuất hiện ống hút.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy 10 lò hương ở nghĩa trang Jirzankal trên dãy núi Pamir gần biên giới giữa Trung Quốc và Pakistan. Cần sa được trồng ở Đông Á để lấy hạt và sợi ít nhất từ 4.000 năm trước Công nguyên. Tuy nhiên, ở thời sơ khai, nhiều loài cần sa gieo trồng cũng như cần sa dại có lượng chất kích thích thần kinh rất thấp.
Nhiều sử gia cho rằng việc hút cần sa bắt nguồn từ thảo nguyên Trung Á cổ đại nhưng căn cứ duy nhất là một đoạn bút tích của sử gia Hy Lạp Herodotus viết vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên. Theo nhóm tác giả, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thuyết phục về tập tục hút cần sa ở khu vực này dù họ vẫn chưa rõ những người chôn cất ở nghĩa trang Jirzankal có chủ động trồng cần sa hay không.