Tân Trụ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tân Trụ được bao bọc bởi hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây yên bình, thơ mộng, nơi đây cũng có nhiều làng nghề được gìn giữ và phát triển. Tân Trụ còn có lợi thế về vị trí địa lý gần Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp với quốc lộ 1A và sắp tới sẽ có quốc lộ 50B - cửa ngõ đi về các tỉnh miền Tây. Đây là những điều kiện thuận lợi để Tân Trụ phát triển ngành du lịch sinh thái, sông nước, dã ngoại, nông thôn gắn với du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống cách mạng, điểm đến của tour du lịch Caravan (loại hình du lịch gồm tập thể các xe cá nhân tự lái)…
Với mong muốn đưa ngành du lịch của huyện trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, huyện Tân Trụ đã qui hoạch những khu vực, vùng đất, đưa các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống vào danh mục ưu tiên để phát triển du lịch. Đồng thời có chiến lược xây dựng, triển khai thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành về khảo sát, chọn lựa, đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mang những nét đặc trưng khác biệt so với các nơi khác.
Theo đó, sản phẩm du lịch “Tân Trụ quê hương em” là sản phẩm du lịch nông thôn đầu tiên tại huyện Tân Trụ. Tham gia tour du lịch này, du khách được tìm hiểu Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Vàm Nhựt Tảo - nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Sau đó, du khách được tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống thu nhỏ như: Làng trống Bình An, làng dệt chiếu An Nhựt Tân, nghề làm bánh in, cảnh làng quê yên bình, nét độc đáo, khởi sắc của huyện nông thôn mới, di tích lịch sử, đôi dòng Vàm Cỏ…
Anh Nguyễn Vũ Đạt, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tour dành cho trẻ em và học sinh, điểm độc đáo là các hướng dẫn viên cũng chính là các em học sinh tại huyện Tân Trụ. Chủ đề tour, các hoạt động và địa điểm đến thăm phù hợp với học sinh, hy vọng sẽ thu hút các bạn trẻ. “Con gái tôi học lớp 4, cháu rất hứng thú với tất cả các làng nghề truyền thống được giới thiệu tại đây, qua tour du lịch mới biết tường tận nghề làm trống, dệt chiếu, làm bánh in như vậy. Tôi hy vọng về lâu dài, tour hút nhiều khách, hoạt động sẽ trở nên xôm tụ hơn. Hiện nay việc trưng bày, chuẩn bị giới thiệu cho mỗi hoạt động của làng nghề khá bài bản”, anh Đạt chia sẻ.
Lực lượng thuyết minh viên là học sinh các trường tiểu học, trung học trong huyện trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn du khách làm bánh in, làm chiếu lát, làm trống là điểm đặc biệt của tour. Không chỉ mang đến một cách giới thiệu, truyền tải gần gũi, chân thật mà còn là niềm tự hào của các em học sinh quê hương Tân Trụ, khi được tìm hiểu và giới thiệu về nét đẹp của quê mình.
“Nhờ tham gia hoạt động này mà em hiểu thêm về văn hoá, lịch sử của quê hương, tự tin hơn trong giao tiếp. Em cũng thêm yêu những người dân lao động trực tiếp tạo ra các sản phẩm mang nét đẹp truyền thống của quê hương”, em Phạm Ngọc Thảo Nguyên, học sinh lớp 8, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ chia sẻ.
Tân Trụ chọn đối tượng học sinh cho sản phẩm du lịch “Tân Trụ quê hương em” là bởi hàng năm Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo đón lượng khách trên 10.000 học sinh đến tham quan. Với số lượng khách tham quan đông đảo như thế nhưng Tân Trụ vẫn chưa có doanh thu nào từ du lịch. Tân Trụ như là một địa điểm ghé qua trong hành trình tour về miền Tây của các công ty lữ hành cho đủ một ngày.
Bà Lê Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết: Sản phẩm du lịch “Tân Trụ quê hương em” là bước khởi đầu trong lộ trình phát triển du lịch nông thôn nói chung và du lịch cộng đồng, sinh thái nói riêng. Từ đây sẽ kết nối với các khu di tích khác tại Tân Trụ như Miễu Ông Bần Quì, hàng cau vua, Nhà cổ họ Lê, tham quan cánh đồng tôm vùng hạ, sản xuất trà và các sản phẩm chùm ngây của Công ty Vườn nhà mình, lênh đênh trên du phà nghe đờn ca tài tử. Dự kiến từ tour nửa ngày sẽ nâng lên thành tour một ngày, sau đó thành tour 2 ngày 1 đêm. Qua đó, du khách có thể thưởng thức ẩm thực mang đậm nét vùng nông thôn Tân Trụ như: canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, cháo gà thả vườn, đặc sản tép rong-cá trắng, cá bóng nhảy cuốn bánh tráng, bần chua mắm linh, dưa hấu Tân Trụ.