Luật Cảnh sát biển Việt Nam - Cơ sở pháp lý quan trọng trong gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam giai đoạn 2019-2023”, ban hành kèm theo Quyết định số 5412/QĐ-BQP ngày 21-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Báo Quân đội nhân dân xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Đưa Luật CSB Việt Nam vào cuộc sống".

Ban tổ chức đã nhận được gần 30 tham luận của các đại biểu là các chuyên gia nghiên cứu về biển, đảo, lãnh đạo các địa phương, chỉ huy các đơn vị. Có nhiều ý kiến sâu sắc luận giải về các nội dung được đề cập trong luật, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đưa luật sớm đi vào cuộc sống và tạo ra hiệu quả tích cực trong thực tiễn.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nên buổi tọa đàm chưa thể tổ chức trực tiếp được. Ngày 10-12, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức Chương trình talk show với chủ đề "Đưa Luật CSB Việt Nam vào cuộc sống" với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về biển, đảo. Trong số báo hôm nay (11-12) và ngày mai (12-12), Báo Quân đội nhân dân trích đăng và giới thiệu tới bạn đọc một số tham luận, ý kiến tiêu biểu gửi tới Ban tổ chức.

Trung tướng NGUYỄN HẢI HƯNG, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Tăng cường giám sát, bảo đảm hiệu quả trong thực thi luật

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, để giúp Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) sẽ nghiên cứu lựa chọn thời điểm thích hợp, đưa vào Chương trình hoạt động toàn khóa của Ủy ban tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về CSB Việt Nam.

Theo đó, Ủy ban QP&AN sẽ đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương căn cứ phạm vi được giao quản lý báo cáo bằng văn bản; đồng thời tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương, đơn vị tập trung về những nội dung chủ yếu như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tuyên truyền pháp luật, xây dựng, tổ chức, hoạt động, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ; việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật do cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển gây ra; việc hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng của cảnh sát biển; mối quan hệ phối hợp trong thực thi nhiệm vụ theo chức năng, phạm vi đảm nhiệm của các lực lượng khác trên cùng một địa bàn; việc phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng hoạt động trên biển...

Luật Cảnh sát biển Việt Nam - Cơ sở pháp lý quan trọng trong gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 luyện tập bắn súng trên biển. Ảnh: Chu Anh.

Thông qua hoạt động giám sát này, Ủy ban QP&AN sẽ làm rõ những kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về CSB; đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sớm có biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CSB.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có chức năng giám sát việc triển khai, thi hành pháp luật về CSB, sẽ cùng phối hợp với Ủy ban QP&AN trong điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát và thông báo kết quả giám sát, khảo sát tới ủy ban để kịp thời tổng hợp, xây dựng các báo cáo, kiến nghị chung...

------------

Thiếu tướng BÙI QUỐC OAI, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam

Cơ sở quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Sự ra đời của Luật CSB Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quản lý, bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế biển. Luật CSB Việt Nam tạo nền tảng, khung pháp lý vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.

Luật CSB Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội; liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cũng như cá nhân, tổ chức hoạt động trên biển; là nền tảng pháp lý quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn vùng biển Việt Nam.

Đối với CSB Việt Nam, luật có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng đặc biệt; là công cụ sắc bén nhằm xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tương xứng với vị trí là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Sự ra đời của Luật CSB Việt Nam đánh dấu một giai đoạn mới trong xây dựng, phát triển của CSB Việt Nam. Các quy định của luật tạo khung pháp lý vững chắc để xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao. Thực tế cho thấy những năm qua, nhất là những năm gần đây, CSB Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển toàn diện, đồng bộ cả về chức năng, nhiệm vụ, cả về tổ chức, biên chế, trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại để ngày càng tương xứng với vị trí, vai trò quan trọng của CSB Việt Nam đã được luật xác định.

Cùng với luật và những kết quả, thành tích đã đạt được, lực lượng CSB Việt Nam sẽ luôn đoàn kết, sáng tạo, không ngừng phấn đấu, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...

------------

Bà HUỲNH THỊ MAI ANH, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh

Huy động nguồn lực địa phương vào thực hiện luật

Thực hiện Luật CSB Việt Nam, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ tư lệnh CSB Việt Nam đã ký kết và thực hiện Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2018-2023” đồng thời tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo, thềm lục địa.

Nhằm nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đảo, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên quan tâm huy động nguồn lực, hỗ trợ kinh phí hoạt động, phương tiện, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực cho các lực lượng, như: CSB, hải quan, kiểm ngư, cảng vụ hàng hải... thông qua hoạt động cải cách tư pháp và các chương trình, đề án, hoạt động cụ thể hằng năm.

Với mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế biển, ven biển và các đảo, trong đó chú trọng đến du lịch, dịch vụ biển và công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường, như: Phát triển TP Hạ Long thành thành phố du lịch biển hiện đại, văn minh; phát triển Vân Đồn, Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm công nghiệp giải trí đẳng cấp khu vực và quốc tế...

Các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định trong mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Vì vậy, việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, các địa phương thuộc Quảng Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp trên biển trong đó có CSB được cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục vừa có bề rộng, vừa có chiều sâu trên địa bàn toàn tỉnh.

------------

Đồng chí TẠ ĐÌNH THI, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Cùng kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển

Lực lượng CSB Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và an ninh, an toàn hàng hải trên biển và hải đảo. Tại Điều 8, Luật CSB Việt Nam năm 2018 quy định nhiệm vụ của CSB: Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

Tại các nghị định xử phạt hành chính của Chính phủ đã quy định lực lượng này có thẩm quyền xử phạt hành chính trong quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và an ninh, an toàn hàng hải trên biển và hải đảo. Theo pháp luật hình sự, CSB có thẩm quyền khởi tố, điều tra các tội phạm về tài nguyên và môi trường trên biển. Từ đó cho thấy giữa hai bên cần có sự phối hợp trong công tác kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã triển khai công tác phối hợp với lực lượng CSB biển thông qua việc bám sát các nội dung của quy chế phối hợp giữa hai bên (năm 2015) về việc thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Tài nguyên và Môi trường về hoạt động của lực lượng CSB và việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng CSB với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hằng năm, lãnh đạo hai bên đều thống nhất quan điểm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung phối hợp, tập trung vào các lĩnh vực như: Trao đổi thông tin; phối hợp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; bảo vệ an toàn, an ninh các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên biển; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, hải đảo... góp phần thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên theo quy định của pháp luật.

-------------

Đại tá LƯƠNG ĐÌNH HƯNG, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển

Chỗ dựa vững chắc để thực thi nhiệm vụ

Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan tới tổ chức, hoạt động và trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể cũng như các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước. Các quy định của luật được xây dựng bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, logic, khoa học, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động thực thi pháp luật trên biển.

Cụ thể, về nhiệm vụ của CSB Việt Nam, Điều 8 Luật CSB Việt Nam quy định 7 nhóm nhiệm vụ lớn của CSB Việt Nam gồm: Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển...

Các quy định này bảo đảm bao quát, là căn cứ pháp lý quan trọng để CSB Việt Nam thực thi pháp luật trong các vùng biển Việt Nam, là nền tảng có ý nghĩa quan trọng để lực lượng này tăng cường các hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Về quyền hạn của CSB Việt Nam, Điều 9 Luật này quy định 10 quyền hạn của CSB Việt Nam, gồm: Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; xử lý vi phạm hành chính... Các quyền hạn này được xây dựng trên cơ sở tập hợp hóa các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao năng lực, trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật trên biển của CSB Việt Nam...

--------------

Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

Hiểu rõ về “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”

Trong Luật CSB Việt Nam, thuật ngữ pháp lý “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” đã được sử dụng khi quy định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng CSB Việt Nam. Vậy, “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” được hiểu như thế nào?

Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền, mang tính chất chủ quyền. Quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia.

Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác. Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm: Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm; thẩm quyền giám sát việc thực hiện...

Theo nghĩa hẹp, đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc. Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn dầu ngầm; không được có hành vi phân biệt đối xử trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Lâu nay, trên các phương tiện truyền thông, trong các văn bản chính trị, pháp lý... cụm từ “chủ quyền biển, đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, đảo, quần đảo với những quy chế pháp lý khác nhau khi xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia có biển hay không có biển khác.

Điều này khiến cho nhiều người có nhận thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất, mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các đảo, quần đảo... Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng cần phải luôn phổ biến và làm rõ các thuật ngữ nêu trên, bảo đảm cho người tiếp nhận thông tin hiểu rõ, hiểu đúng...

--------------

Tiến sĩ NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Luật Cảnh sát biển góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam

Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Trước hết, Luật (CSB) Việt Nam đặt nền móng cho việc thành lập và vận hành cơ quan quyền lực công chuyên bảo đảm trật tự và pháp luật trên biển. Chủ quyền của một quốc gia thể hiện trước hết ở trật tự mà quốc gia đó áp đặt và pháp luật mà quốc gia đó ban hành. Pháp luật của Việt Nam phải có hiệu lực và phải được tuân thủ trên toàn bộ lãnh thổ bao gồm cả vùng biển, đảo của Việt Nam. CSB Việt Nam chính là cơ quan quyền lực công có vai trò quan trọng hàng đầu ở đây.

Thứ hai, luật tạo khuôn khổ cần thiết cho việc tổ chức, hoạt động của CSB Việt Nam. Luật quy định cụ thể thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm hoạt động cho CSB. Đây là các tiền đề để xây dựng lực lượng CSB Việt Nam hùng mạnh và hiệu năng, bảo đảm trật tự và pháp luật ở trên biển.

Thứ ba, luật quy định nguyên tắc, quy trình, thủ tục tổ chức công việc và hoạt động của CSB Việt Nam, đặc biệt liên quan đến việc xử lý các vụ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Đây cũng là khuôn khổ pháp lý quan trọng để lực lượng CSB Việt Nam xử lý các tình huống cụ thể trên biển, vừa bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, vừa tránh được những xung đột không đáng có ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, luật cũng quy định cơ chế phối hợp, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương có liên quan trong phối hợp với CSB Việt Nam để bảo vệ an ninh, trật tự trên biển. Đây cũng là tiền đề quan trọng nhằm phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thứ năm, luật cũng quy định về trách nhiệm của CSB Việt Nam phải hỗ trợ và bảo vệ bà con ngư dân ở trên biển. Thực ra, chủ quyền quốc gia thể hiện trước hết ở chỗ, người dân của quốc gia đó được bảo vệ đầy đủ trên lãnh thổ của mình, cả về các quyền con người, quyền làm chủ. CSB là chỗ dựa quan trọng để người dân an toàn làm ăn trên biển và tận hưởng các quyền của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.