Từ năm 2009, báo cáo Nghiên cứu Giám sát Người lao động Di cư hàng năm do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đã công bố kết quả theo dõi quy mô, xu hướng và sự phân bổ của bộ phận quan trọng này trong lực lượng lao động Trung Quốc. Trong đó, một người lao động nhập cư được định nghĩa là một cá nhân có hộ khẩu hoặc thường trú ở nông thôn, đang tham gia vào các ngành phi nông nghiệp tại địa phương hoặc đã làm việc xa quê nhiều hơn 6 tháng.
Báo cáo năm 2023 cho thấy số lượng lao động nhập cư trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn, thể hiện rõ thực trạng lao động nhập cư hiện đại đang ngày càng phát triển. Một xu hướng đáng chú ý là hiện nay số người tham gia vào lĩnh vực xây dựng, một ngành vẫn luôn được xem là cốt lõi của nền kinh tế, đã giảm đáng kể.
Lao động nhập cư ở Trung Quốc phần lớn được tuyển dụng trong sáu ngành: hai ngành thứ cấp là sản xuất và xây dựng, còn lại là các ngành công nghiệp dịch vụ như bán buôn và bán lẻ, lưu trú và ăn uống, vận tải và kho bãi, và dịch vụ bưu chính.
Mặc dù ngành xây dựng đứng đầu danh sách thu nhập trung bình hàng tháng của lao động nhập cư trong nhiều thập kỷ qua, ngành này chỉ chiếm 15.4% lực lượng lao động vào năm ngoái. Con số này đã giảm so với mức 22.3% năm 2014, cho thấy hơn 15 triệu lao động đã rời ngành vào thời điểm đó.
Sự thay đổi này gắn liền với việc giảm bớt các dự án phát triển bất động sản trong những năm gần đây. Theo NBS, vào năm 2023, đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đạt 11,09 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 1,6 nghìn tỷ USD), giảm 9.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người lao động nhập cư trong ngành xây dựng vào năm ngoái so với năm 2022 theo đó đã giảm 6.5 triệu người.
Ngoài ra, các quy định mới được ban hành gần đây đã hạn chế độ tuổi của nhân sự trong “các ngành nghề có mức độ nguy hiểm cao”, đồng nghĩa với việc lao động nhập cư lớn tuổi không còn đủ điều kiện cho nhiều công việc trong ngành xây dựng.
Năm 2019, một số địa phương đã ban hành lệnh cấm nam giới trên 60 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi tham gia lao động tại các công trường xây dựng. Trên thực tế, giới hạn độ tuổi thậm chí còn thấp hơn. Vào năm 2022, Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho biết nhiều công việc xây dựng được quảng cáo trên nền tảng tuyển dụng trực tuyến dành cho lao động nhập cư đều quy định rằng ứng viên nam phải dưới 55 tuổi.
Trong khi đó, một thế hệ mới đang phá bỏ những khuôn mẫu về người lao động nhập cư như “lao động chân tay có trình độ thấp, tay nghề thấp”. Nhóm người này đang cho thấy những xu hướng việc làm khác với thế hệ đi trước.
Người lao động nhập cư hiện đại có trình độ học vấn cao hơn đáng kể, với số người có ít nhất một bằng cấp từ cao đẳng hoặc đại học đạt 15.8% vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với con số được ghi nhận vào năm 2014 (7.3%). Điều này đã dẫn đến sự chuyển dịch đáng kể sang các ngành công nghiệp dịch vụ.
Vào năm 2023, đã có 53.8% tổng số lao động nhập cư ở Trung Quốc tham gia vào nhóm ngành dịch vụ, rời khỏi các nhóm ngành thứ cấp. Số lượng người lao động trong các ngành dịch vụ dân dụng, sửa chữa và các dịch vụ khác tăng gần 1 triệu so với một thập kỷ trước, chạm mốc 37.79 triệu vào năm ngoái.
Theo tờ Nông dân Nhật báo, những người lao động nhập cư trẻ tuổi đang lựa chọn công việc không chỉ dựa trên số tiền họ có thể kiếm được mà còn dựa trên “giá trị đồng tiền”. Trong đó, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động trở nên ít được ưa chuộng hơn, nhu cầu về thời gian và điều kiện làm việc linh hoạt hơn ngày càng tăng.
Năm 2008, hơn một nửa số người sống ở vùng nông thôn Trung Quốc đã chuyển đến kiếm sống ở các khu vực thành thị phát triển, có nhiều người thậm chí còn di chuyển đến tận đầu kia đất nước. Tuy nhiên, ngày nay những người sẵn sàng làm như vậy giảm đáng kể. Số liệu mới nhất của NBS cho thấy vào năm 2023 có tới 61.8% lao động nhập cư chọn làm việc tại quê nhà.
Hiện tượng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số đó là quá trình nâng cấp công nghiệp tại các vùng duyên hải miền Đông, với một số lượng lớn các ngành sản xuất của Trung Quốc đã di dời đến các khu vực miền Trung và miền Tây, khu vực chính cung cấp việc làm cho người lao động nhập cư. Điều này đã tạo điều kiện cho các công việc gần nhà hơn, không còn nhu cầu đi lại. Ngoài ra, ở những khu vực này có sự đô thị hóa phát triển nhanh chóng, từ đó mức sống cũng được cải thiện.
Già hóa là một yếu tố quan trọng khác. Theo báo cáo của NBS, độ tuổi trung bình của lao động nhập cư hiện nay là 43.1, với số người lao động trên 50 tuổi chiếm 30% tổng lực lượng. Thống kê cho thấy càng lớn tuổi thì người lao động càng ít sẵn sàng rời khỏi nhà. Năm 2023, độ tuổi trung bình của những người chọn làm việc tại quê nhà là 46.6, trong khi những người đi làm xa là 38.9.
Tuy xuất hiện những thay đổi về nhân khẩu học, bằng cấp và nguyện vọng, nhưng gần 300 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc vẫn là trụ cột thiết yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển đô thị trên toàn quốc.