Xuất thân từ tỉnh Hiroshima, ông Kishida là người thúc đẩy quyết định lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại thành phố phía tây Nhật Bản vào tuần này.
Một trong những mục tiêu chính trị của ông Kishida là hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Phát biểu hồi tháng 1 tại Washington, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng thế giới không nên coi nhẹ sự thật rằng không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong 77 năm qua.
Sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima vào năm 2016, ông Barack Obama đã trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm Hiroshima. Tuần này, ông Kishida có kế hoạch đưa các nhà lãnh đạo khác đến Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi các nguyên thủ quốc gia có thể tận mắt chứng kiến hậu quả của bom hạt nhân.
Thành phố 1,2 triệu dân này nằm trong một tỉnh rộng lớn đối diện với Biển Seto, nơi có nhiều hòn đảo nhỏ, bao gồm cả Miyajima, hòn đảo nổi tiếng với cổng torii trứ danh nổi t.
Cuối tuần trước, ông Kishida đã tới Hiroshima để thị sát địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh - khách sạn Grand Prince Hotel Hiroshima, cũng như đến thăm công viên hòa bình và đảo Miyajima.
Hiroshima từng được sử dụng làm căn cứ vận chuyển binh lính và vật tư trong Chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895, sau đó được phát triển thành một thành phố quân sự.
Thành phố được người Mỹ lựa chọn làm địa điểm ném bom vì đây là mục tiêu chiến lược hầu như không bị ảnh hưởng bởi vụ đánh bom thông thường, điều đó có nghĩa là tác động của việc thả một thiết bị hạt nhân có thể được đo lường chính xác.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ dẫn đến sự tái xuất của vũ khí hạt nhân, việc lựa chọn Hiroshima làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ là một động thái biểu tượng để kêu gọi giải trừ quân bị và không triển khai vũ khí hạt nhân.
Ông Kawasaki Akira, thành viên nhóm chỉ đạo quốc tế của Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân, cho biết các nhà lãnh đạo G7 "không chỉ lên án mối đe dọa hạt nhân của Nga, mà còn thay đổi chính sách của chính họ nhằm chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân dưới danh nghĩa răn đe".
Mặc dù vậy, mối đe dọa hạt nhân càng gia tăng, Nhật Bản càng phải dựa vào khả năng bảo trợ, hay còn được gọi là "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.
Người dân thành phố Hiroshima cũng đang kêu gọi thế giới bãi bỏ vũ khí hạt nhân, một quan chức thành phố nói rằng thông qua hội nghị thượng đỉnh G7, "tinh thần của Hiroshima, tìm kiếm một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân, và văn hóa truyền thống và ẩm thực địa phương sẽ được biết đến rộng rãi ở cả Nhật Bản và nước ngoài để thu hút du khách".