Trypophobia là dạng bệnh tâm lý chưa được công nhận, đó là ta có cảm giác nổi da gà, cảm giác ghê rợn, ám ảnh khi nhìn thấy hình ảnh có nhiều lỗ tròn hoặc nhóm các lỗ tròn, ví dụ như tổ ong, bát sen, lỗ đục trên thân cây, các hình xăm lỗ trên cơ thể người...
Trước đây các nhà khoa học không quan tâm nghiên cứu về căn bệnh này vì cho đó là phản xạ tâm lý bình thường của con người. Theo ước tính có khoảng 15% dân số loài người cũng cảm thấy khó chịu khi thấy các đám lỗ hoặc u bướu.
Sau nhiều nghiên cứu, cuối cùng các nhà khoa học đã xác định được nguồn gốc của nỗi sợ này và hóa ra, nó không chỉ là một chứng bệnh tâm lý mà còn bắt nguồn từ bản chất sinh học, di truyền của con người trước những cấu trúc có độ tương phản khác lạ so với thứ khác trong tự nhiên.
Năm 2013, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học Thần Kinh đã nói về cảm giác của người bệnh khi đối mặt với các hình ảnh đầy lỗ hoặc lô nhô như tổ ong, cụm bóng xà phòng: "Thật sự là bệnh nhân không thể đối mặt với các vật nhỏ, không đều, các cụm lỗ bất đối xứng,... Khi đó có người tỏ ra không thích, có người hét lên, khóc lóc,..."
Mặc dù trypophobia được gọi là "nỗi sợ những cái lỗ" nhưng khi đào sâu nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng nó không chỉ là một nỗi sợ hãi và nỗi sợ đó không chỉ đối với những cái lỗ trống. Nỗi ám ảnh này thậm chí không được công nhận bởi cộng đồng tâm lý học bởi nó không thỏa mãn định nghĩa của một loại ám ảnh.
Khi những người với chứng trypophobia trong người nhìn vào những hình ảnh ghê tởm, nhịp tim sẽ tăng lên, hỗn loạn hơn và hoạt động tại phần nào não xử lý thị giác sẽ tăng cao."
Wilkins và đồng nghiệp của ông là Geoff Cole đã công bố một nghiên cứu về trypophobia hồi năm 2013 với giả thuyết rằng nguyên nhân sâu xa của nỗi ghê sợ này bắt nguồn từ cơ chế sinh học. Theo đó, con người đã phát triển để lo sợ trước những cơ cấu có thể gây nguy hiểm trong tự nhiên.
Để xác định hiệu ứng này, các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh trên trang web trypophobia, bao gồm cả những hình ảnh có lỗ nhưng không kích hoạt trypophobia để tìm kiếm sự khác biệt.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng có thể nỗi sợ này bắt nguồn từ sự tiến hóa, giúp con người tránh xa những loài động vật nguy hiểm bởi lẽ trên người chúng đều có chung các hình dạng kích ứng trypophobia.
Mặt khác, nhóm còn phát hiện rằng độ tương phản đặc biệt của một số hình ảnh sẽ khiến nó kích ứng trypophobia. Bằng cách này, họ có thể sẽ tìm được cách hạn chế và thậm chí là điều trị trypophobia trong tương lai.
Mạnh Kiên