Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, giám tuyển tranh cho triển lãm “Giấc mơ rực rỡ”, cho rằng: “Trong cấu trúc nội thất truyền thống của nhiều gia đình người Việt xưa, từ trung lưu, trí thức, văn nghệ sĩ cho đến quan lại, thượng lưu, thì dịp tết đến xuân về, quan niệm “nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ mộc/tứ kiểng” càng được chú trọng hơn về mặt thẩm mỹ. Nhưng trong bộ tứ thẩm mỹ này, nhất và nhị thường ít tính bền vững, do tuổi thọ của vật liệu giấy, còn tam và tứ thì có tính trường tồn hơn. Người Việt xưa sống nương theo hoàn cảnh, “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), nên biết trân trọng, đề cao cả những điều mong manh, trừu tượng, đề cao những cái thuộc về tín lý, tinh thần”.
Họa sĩ Khổng Đỗ Duy (1987) sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Phúc, năm 2010 tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, anh làm công tác giảng dạy tại trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc đến năm 2015 thì chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp tự do |
“Đời sống người Việt ngày nay có nhiều đổi khác, bộ tứ thẩm mỹ này thay đổi theo, cũng là lẽ thường tình. Nhưng trong đời sống thì vẫn còn phảng phất đây đó các vết tích, đôi khi như một hoài niệm, đôi khi như một giấc mơ, sự trân quý. Mà với Khổng Đỗ Duy, đó là một giấc mơ rực rỡ, có cả tính cổ tích, lẽ nhiệm màu và cả sự tiếc nuối. Tác phẩm của Khổng Đỗ Duy lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, từ di sản dân gian và sự hoài niệm, trong đó có cả bộ tứ thẩm mỹ như đã nêu. Nhưng Duy không cố giữ hoặc rập khuôn truyền thống, mà kết hợp, pha trộn, biến thiên giữa truyền thống và hiện đại. Vẻ đẹp của tác phẩm dựa trên sự cân đối, sáng sủa từ ý tưởng, tạo hình, màu sắc… cho đến bề mặt tranh chỉn chu, ý tưởng và cảm xúc mạch lạc. Đôi khi Duy khai thác các vẻ đẹp từ di sản, đôi khi là các hoa văn cổ hoặc nếp sống xưa đang bị phai mờ trong đời sống hiện nay. Đôi khi là một ước lệ-tượng trưng về thời gian, về truyền thống, về đổi thay. Nhưng tất cả được bố cục một cách thống nhất, hài hòa, có hoài niệm và có tươi mới, có quy củ và có phá cách, có tiếc nuối và có lạc quan”, theo Lý Đợi.
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ" |
Còn họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh, chia sẻ: “Nghe tin “ Duy tre” lại bày biện triển lãm, lần này tôi là người may mắn được hoạ sĩ cho xem tranh trước, nên tôi có nhiều cảm xúc dạt dào trước loạt tranh mới của anh mà có đôi dòng về Khổng Đỗ Duy. Tôi biết Khổng Đỗ Duy cũng hơn mười năm trước, cái thời Duy vẽ về tre rất hay nên mới có biệt hiệu “Duy tre”, những loạt tranh hồi ấy có vẻ đẹp mạnh mẽ, nội lực sung mãn của sức trẻ, nét cọ dạt dào dứt khoát trong mỗi đường nhấn nhá, tút tát của bức tranh, đến nay tôi vẫn còn lưu lại nhiều hình tranh của Duy về chủ đề tre hồi ấy”.
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ" |
“Xem tranh của Duy, cho ta cảm nhận nơi đây là không gian của bốn mùa rất nông thôn Việt, những cành hoa lê hoa mận, những cành lựu cành đào, những sen của mùa hạ, cúc mùa thu, trúc mùa đông, được vươn cành trái lộc đủ đầy xum xuê suốt trong bốn mùa, những hoa lá sung mãn, xanh mướt với màu sắc đậm tính dân gian rất tết, rất cổ truyền. Nếu như ai ở xa quê hương, khi xem tranh của Duy sẽ trỗi lên một nỗi khắc khoải nhớ về quê hương, một quê hương thuần Việt đặc trưng trong tranh, bàn bạc những hoài niệm, những nỗi niềm ấu thơ, là những kỷ niệm đẹp đẽ được cất giấu đâu đó, nay lại ùa về, làm cho cảm xúc lâng lâng với một tâm tưởng vừa hân hoan vừa bồi hồi xúc động khó tả, ở đó sẽ có tất cả những kỷ niệm mà ai cũng đã đi qua, ai cũng đã từng nếm qua những hương vị tết xa xưa, tết thời bao cấp. Đây bình vôi của bà, kia là chậu mặc lan của ông, cái chạn bếp của mẹ, cái lồng chim của bố, con hạc giấy của con, và giấc mơ của em, tất cả đã đủ đầy trong tranh, những nét thuần Việt từ dân dã đến sang trọng trong mỗi tác phẩm”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh, nhận xét.
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ" |
Triển lãm “Giấc mơ rực rỡ” của Khổng Đỗ Duy đến ngày 12/1/2025, vào cửa tự do.
Một số tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ" lấy cảm hứng từ di sản dân gian: