Để trả lời cho câu hỏi này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Giám đốc Công ty CP Le Mont Ba Vì (đại diện Chủ đầu tư - PV).
Thưa bà, liệu con số 8 tỷ đồng để đổi lấy 53ha đất rừng, đất lâm nghiệp làm resort có thời hạn đến 50 năm là quá hời cho doanh nghiệp?
Theo hợp đồng doanh nghiệp và Vườn quốc gia đã ký kết, doanh nghiệp chỉ được tác động trên diện tích là 1,07 ha, phần diện tích còn lại doanh nghiệp không được phép tác động, kinh doanh, khai thác mà phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển rừng.
Thực chất, trong số 1,07 ha (tương ứng hơn 10.000m2), Công ty chỉ được phép khai thác, kinh doanh trên cơ sở 22 công trình phế tích cũ do Pháp để lại mà không được phép xây thêm các công trình mới. Như vậy, nói đúng ra chúng tôi đang phải trả 8 tỷ đồng cho 22 phế tích (trung bình gần 400 triệu đồng cho một phế tích, đắt gần ngang tiền đất trong nội thành ở Hà Nội) thì không thể nói là hời được.
Dự án khu du lịch sinh thái Le Mont Ba Vì. (Ảnh: Trần Quyết)
Nói như vậy có nghĩa, doanh nghiệp đang chi một khoản tiền lớn hơn so với khung giá được ban hành cho việc đầu tư vào dự án ở Vườn quốc gia Ba Vì?
Khung giá thuê đất rừng là do cơ quan Nhà nước ban hành. Các bên được phép thỏa thuận nhưng không thấp hơn khung giá do Nhà nước quy định.
Trên thực tế, khi tính toán để đưa ra con số 8 tỷ đồng Vườn Quốc gia Ba Vì và chúng tôi đã phải tham khảo giá thuê trước đó đang áp dụng tại cos 400m (khoảng 120 triệu/ha/năm) và có điều chỉnh cao hơn để bù trượt giá trong năm 50 năm.
Ngoài ra, chúng tôi còn phải chi trả các chi phí để bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, duy trì nguồn nước chống khô hạn…
Trong thỏa thuận, Vườn quốc gia Ba Vì sẽ bàn giao cho doanh nghiệp quyền bảo vệ và quản lý rừng, đất lâm nghiệp với diện tích hơn 53 ha. Liệu có phải doanh nghiệp được toàn quyền quyết định phần diện tích này?
Như đã nói ở trên, với phần đất mà chúng tôi được giao sau khi ký hợp đồng liên kết chúng tôi phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển rừng. Cụ thể: giữ nguyên nghiện trạng rừng đang có, bảo vệ, giữ gìn thảm thực vật và các sinh vật trong rừng, được trồng thêm cây nhưng không được chặt phá cây. Nếu phát hiện cây chết, hỏng phải báo cáo với Vườn quốc gia Ba Vì để có phương án giải quyết. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đóng góp vào việc nghiên cứu và phát triển cây trồng mới, đặc biệt là cây bản địa đảm bảo phù hợp với khí hậu, thời tiết thổ nhưỡng tại vùng miền và đồng thời tăng cảnh quan thiên nhiên, phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái.
Xem ra, việc doanh nghiệp đầu tư dự án vào Vườn quốc gia Ba Vì đang mất nhiều hơn là được, thưa bà?
Với khí hậu trong lành và mát mẻ, khu du lịch sinh thái Le Mont Ba vì đã tô điểm thêm cho núi rừng Ba Vì một bức tranh đẹp mà không ai có thể phủ nhận. Theo quan điểm của tôi, sự có mặt của Le Mont Ba Vì Resort & Spa đem đến lợi ích cho doanh nghiệp chúng tôi từ việc thu hút được nhiều khách du lịch đến với Ba Vì là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên, điểm lợi hơn cả là đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Là nơi nghỉ dưỡng sánh ngang tầm với Tam Đảo, Sapa, Đà lạt… đều là những nơi người Pháp đã lựa chọn. Bên cạnh đó nó còn đáp ứng và giải quyết được nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân HN và các vùng lân cận.
Tuy nhiên, với thủ tục hành chính quá chậm trễ, kéo dài, doanh nghiệp đang phải chi trả gấp nhiều lần các chi phí từ tiền lương cho cán bộ nhân viên dự án, tiền duy trì hoạt động, trượt giá… Do mất quá nhiều thời gian cho Dự án nên Doanh nghiệp cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư khác.
Xin cám ơn bà!
Trần Quyết