Trước thềm lên sàn, tài sản tăng mạnh nhờ… nợ
Ngày 8/3 tới, Công ty cổ phần thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) sẽ chính thức đưa 300 triệu cổ phiếu GEE lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 25.000 đồng/CP.
Như vậy, GEE đã theo chân công ty mẹ - Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu GEX của công ty mẹ niêm yết trên Hose. Đóng cửa phiên 3/3, GEX tăng nhẹ lên 41.400 đồng/CP.
Tại thời điểm cuối năm 2021, Gelex Electric có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2.219 tỷ đồng hồi đầu năm; bao gồm các cổ đông: CTCP Tập đoàn Gelex (sở hữu 80% vốn), Công ty cổ phần Máy tính – Truyền thông – Điều khiển 3C (nắm giữ 5,5%), cổ đông khác nắm giữ 14,5% còn lại.
Gelex Electric sở hữu trực tiếp một số doanh nghiệp đã niêm yết hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CAV) vốn điều lệ 576 tỷ đồng (GEE sở hữu 96,35%); Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) vốn điều lệ hơn 387 tỷ đồng (GEE sở hữu 76,7%); Công ty cổ phần Thiết bị Điện (THI) vốn điều lệ 488 tỷ đồng (GEE sở hữu là 85,23%).
Ngoài ra, GEE còn sở hữu một số công ty con chưa niêm yết như Công ty cổ phần Thiết bị Đo điện EMIC, Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, Công ty TNHH Phát điện Gelex và Công ty cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị.
Trước thềm lên sàn, Gelex Electric ghi nhận tổng tài sản tăng đáng kể, tăng 8.725 tỷ đồng, tương đương 60,6% so với hồi cuối năm 2020 lên 23.124 tỷ đồng. Tuy nhiên, đà bứt phá này chủ yếu đến từ… nợ.
Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ phải trả tại Gelex Electric đạt 17.136 tỷ đồng, tăng 6.376 tỷ đồng, tương đương 59,3,%; chiếm 74,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay tăng mạnh nhất.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 3.947 tỷ đồng lên 5.370 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính tăng từ 1.702 tỷ đồng lên 6.114 tỷ đồng.
Lợi nhuận giảm, âm nặng dòng tiền
Trong khi tài sản tăng mạnh, Gelex Electric lại ghi nhận tình trạng kém lạc quan. Đó là lợi nhuận suy giảm và âm nặng dòng tiền.
Năm 2021, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Gelex Electric đạt 18.848 tỷ đồng, tăng so với 16.203 tỷ đồng của năm 2020.
Doanh thu giảm nhưng giá vốn tăng, tăng từ 14.118 tỷ đồng lên 116.884 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty giảm từ 1.955 tỷ đồng xuống 1.830 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Gelex Electric giảm nhẹ từ 656 tỷ đồng xuống 655 tỷ đồng.
Chỉ tiêu này thậm chí có thể “lao dốc” mạnh hơn nếu không nhờ doanh thu hoạt động tài chính có nhiều cải thiện.
Trong năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính của Gelex Electric lên tới 300 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hơn 200 tỷ đồng năm 2020. Trong đó, cổ tức, lợi nhuận được chia đạt 118 tỷ đồng, tăng 34 tỷ đồng, tương đương 40,5% so với năm ngoái; lãi tiền gửi, tiền cho vay đạt 81 tỷ đồng, tăng 62 tỷ đồng, tương đương 326%; chiết khấu thanh toán, lãi bán hàng trả chậm tăng từ 18 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đa số trong dòng tiền này đều đến từ hệ sinh thái Gelex. Trong đó, khá nhiều tiền được chuyển từ công ty mẹ Gelex sang Gelex Electric.
Cụ thể, trong năm 2021, Gelex Electric có được 25,5 tỷ đồng tiền lãi cho vay, 45,2 tỷ đồng lãi mua hàng trả chậm,… với Gelex.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo hợp nhất năm 2021 của Gelex Electric là thù lao của dàn lãnh đạo.
Trong năm, chỉ tiêu lương và thu nhập khác của dàn lãnh đạo Gelex Electric là 3,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chỉ nhận… 9 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Trọng Tiếu, thành viên Hội đồng quản trị lại được trả tới… 2,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, Gelex Electric cho biết Hội đồng quản trị không nhận thù lao trong năm 2021.
Ngoài việc là thành viên Hội đồng quản trị Gelex Electric, ông Nguyễn Trọng Tiếu còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành, Gelex, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh - Công ty Cổ phần (TBD) và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương (CTB).