Mưa lớn đã làm 75 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng (Tuyên Quang, Cao Bằng); 119,4 ha nông nghiệp bị ngập úng, thiệt hại (Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng); 968 con gia súc, gia cầm bị chết (Cao Bằng, Điện Biên); 2 ha ao cá bị ngập, cuốn trôi (Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái); trên 37 điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc (Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang) hiện đã thông tuyến.
Cùng với đó, mưa lớn đã làm sạt lở 11 điểm tại các tuyến đường xã ở huyện Văn Yên với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 1.000 m3. Trong đó, xã Nà Hẩu sạt 2 điểm, Phong Dụ Hạ 7 điểm, Châu Quế Hạ 1 điểm và xã Phong Dụ Thượng 1 điểm. Mưa lớn khiến 1 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hơn 0,4 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, 2 cống qua đường bị lũ cuốn trôi.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị thương vong, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tìm kiếm người mất tích, kiểm tra, thống kê thiệt hại, huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. UBND huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) đã hỗ trợ người tử vong 25 triệu đồng, người bị thương 5 triệu đồng...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 14 - 19/8, Bắc Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Để chủ động ứng phó với mưa lớn, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 78/CĐ-TTg ngày 11/8 về việc ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ, trong đó tập trung vào việc tiếp tục chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào tộc thiểu số) nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân; đồng thời huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách, nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định...