Sáng 13/8, 15 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu về phương án tăng lương tối thiểu năm 2019. Tất cả đồng thuận trình Chính phủ mức tăng lương bình quân 5,3% so với năm 2018.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 3.980.000 lên 4.180.000 đồng; vùng 2 từ 3.530.000 lên 3.710.000 đồng; vùng 3 từ 3.090.000 lên 3.250.000 đồng; vùng 4 từ 2.760.000 lên 2.920.000 đồng. Như vậy, so với mức hiện tại, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 160.000 đến 200.000 đồng.
Tại cuộc họp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức tăng tối thiểu là 6,1%, trong khi đó Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới chủ đề xuất mức tăng là 5,1%. Do vẫn còn mức chênh lệch, nên hai bên tiếp tục bàn thảo rồi thống nhất mức tăng 5,3% để bỏ phiếu.
Lương tối thiểu vùng 1 hiện nay là 3.980.000, áp dụng cho lao động làm việc tại doanh nghiệp đóng ở các huyện ngoại thành của Hà Nội, TP HCM, một số thị xã... |
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, mức tăng 5,3% là hài hòa, hai phía có thể chấp nhận được. Người lao động có thể bù trượt giá và có tích lũy, doanh nghiệp cũng chi trả được.
Ông Diệp cho hay, quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội cho các bên thương lượng, từ đó đề ra mức tăng xích lại gần nhau. Mức tăng không chỉ đảm bảo lợi ích các bên, mà còn cần đảm bảo các vấn đề quốc gia như việc làm, trật tự, an sinh xã hội.
“Trong bối cảnh lạm phát không quá cao, năng suất lao động tăng, doanh nghiệp đối mặt với rủi ro về tỷ giá, chúng tôi khuyến cáo các bên tiền lương tăng ở mức từ 5-5,5% là hợp lý”, ông Diệp nói.
Trong tháng 7, hai phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia đều diễn ra khá căng thẳng. Phía VCCI chỉ đề xuất mức tăng lương 2%. Liên minh hợp tác xã đề xuất 4%. Còn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ mức đề xuất 8%.
Theo PGS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, trong bối cảnh kinh tế phát triển, người lao động cần được hưởng lợi thành quả do mình làm ra. Qua khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn lao động, mức chi tiêu tối thiểu của người lao động là 6,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi đó tiền lương cơ bản họ nhận được trung bình là 4,6 triệu đồng. Do đó, người lao động phải làm thêm trung bình 28 giờ để nhận được thêm hơn 800.000 đồng mỗi tháng.
Khi so sánh thu nhập với chi tiêu của các gia đình, 17% người lao động cho biết họ có dư dật và tích luỹ; 43% vừa đủ trang trải cuộc sống; 26% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ sống và phải làm thêm giờ.