Trước đó, một sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật tại Đại học Đông Nam ở tỉnh Giang Tô bị cáo buộc đã đăng video lên mạng ghi lại cảnh bản thân dùng chân dìm đầu một con mèo vào xô nước.
Các tổ chức bảo vệ động vật cáo buộc nam sinh này là thành viên của một nhóm chuyên ngược đãi động vật và đã đăng nội dung bạo hành động vật lên Telegram và các nền tảng mạng xã hội khác ở nước ngoài từ khá lâu.
Sự việc chỉ trở nên trầm trọng vào tuần trước sau khi Đại học Nam Kinh từ chối cho nam sinh họ Từ nộp hồ sơ cao học, mặc dù người này đứng đầu trong bài thi viết sơ bộ. Phía Đại học Nam Kinh cho biết Từ đã trượt vòng phòng vẩn.
Đại học Nam Kinh xác nhận với truyền thông trong nước rằng một số thông tin lan truyền trên mạng là chính xác. Khi được hỏi liệu vụ việc ngược đãi động vật có ảnh hưởng đến quyết định này hay không, một đại diện của trường cho biết: “Những hành động này có thể là tác nhân dẫn đến quyết định".
Tuy nhiên, Từ sau đó đã có tên trong danh sách tuyển sinh của Đại học Lan Châu, một trường đại học lớn khác của Trung Quốc. Theo chương trình tuyển sinh, các ứng viên nộp hồ sơ sẽ tham gia một bài kiểm tra viết, trước khi bước vào vòng phỏng vấn hai ngày sau đó.
Đại học Lan Châu không tiết lộ liệu Từ có tham gia kỳ thi hay không. Tuy nhiên, mục bình luận trên tài khoản mạng xã hội của trường đã ghi nhận phản ứng dữ dội của công chúng, trong đó nhiều người kêu gọi Đại học Lan Châu không tiếp nhận sinh viên có nhân cách yếu kém.
Ở Trung Quốc, các trường đại học được yêu cầu đưa các bài đánh giá phẩm chất và đạo đức vào quá trình tuyển chọn ứng viên cao học và họ có quyền từ chối nhập học dựa trên những đánh giá này.
Theo hướng dẫn tuyển sinh sau đại học do Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố vào năm 2022, các trường đại học được khuyến khích tiến hành điều tra bên ngoài để xác định ứng viên có đủ tư cách đạo đức cần thiết hay không.
Trong tuần qua, các cuộc tranh luận xung quanh chủ đề này đã tràn ngập trên các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc, trong đó nhiều người lên án sự tàn ác của Từ, đồng thời khen ngợi Đại học Nam Kinh đã ưu tiên chuẩn mực đạo đức trong việc đưa ra quyết định.
Một loạt hashtag liên quan đến vụ việc đã trở thành xu hướng trên nền tảng Weibo, trong đó một hashtag có tựa đề “Điểm cao trong kỳ tuyển sinh sau đại học không bào chữa cho nhân cách yếu kém” đã thu hút hơn 40 triệu lượt tương tác.
Một người bình luận cho biết: “Khả năng của bạn có thể đưa bạn đến đỉnh cao, nhưng đạo đức mới là thứ giữ bạn trên đỉnh cao đó”.
Vào hôm Chủ nhật, bất chấp những lời chỉ trích, ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu, người từng có nhiều phát ngôn gây tranh cãi, đã kêu gọi sự khoan dung đối với nam sinh họ Từ.
Ông Hồ Tích Tiến chia sẻ trên Weibo: “Hành động đăng video ngược đãi động vật là một sai lầm nghiêm trọng và là dấu hiệu của các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, xã hội của chúng ta nên tạo cơ hội cho Từ sửa chữa hành vi của mình và cho chàng trai trẻ này một cơ hội".
Đây không phải là lần đầu tiên một sinh viên đại học bị lên án sau khi có hành vi ngược đãi động vật. Vào tháng 9 năm 2023, một sinh viên ở tỉnh Hà Nam đã bị đuổi học vì quay video thiêu sống mèo và đăng lên mạng.
Hiện tại, không có điều luật cụ thể nào chống lại hành vi ngược đãi động vật ở Trung Quốc.
Tuy có tồn tại các luật cụ thể về bảo vệ gia súc, gia cầm, động vật hoang dã và động vật thí nghiệm, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn lỗ hổng pháp lý liên quan đến “động vật nuôi trong nhà” như chó, mèo.
Dẫn lời các luật sư, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng việc phát tán hoặc rao bán các video ngược đãi vật nuôi trên mạng là hành động vi phạm các tiêu chuẩn pháp lý.
Một luật sư cho biết: “Các cơ quan công an có thể đối phó bằng các biện pháp như giam giữ hành chính, phạt tiền, nhắc nhở và cảnh cáo, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc”.