‘Nền kinh tế lười biếng’ ngày càng phát triển tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Xu hướng tiêu dùng hướng đến sự tiện lợi đang trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, vốn không muốn dành thời gian nấu nướng và dọn dẹp.
‘Nền kinh tế lười biếng’ ngày càng phát triển tại Trung Quốc

Sau nhiều giờ làm việc, nhiều thanh niên Trung Quốc đang tìm cách giảm thiểu số lượng công việc hàng ngày ở nhà. Nhiều người thậm chí đã chi hàng nghìn nhân dân tệ để mua công nghệ và dịch vụ giúp họ làm việc nhà thuận tiện hơn.

Một cuộc khảo sát về mức tiêu dùng năm 2022 của công ty tư vấn Zhimeng cho thấy gần 80% số người được hỏi sinh sau năm 1995 cho biết họ sử dụng thiết bị thông minh cho các công việc gia đình. Trong khi 75% trong số họ dựa vào các dịch vụ để tiết kiệm thời gian nấu nướng và dọn dẹp. Nhu cầu này đã tạo ra một thị trường ngách mang tên “nền kinh tế lười biếng”, bao gồm mọi thứ từ thiết bị gia dụng thông minh đến dịch vụ giao đồ ăn nấu sẵn.

Hiện có bốn xu hướng tiêu dùng đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, những người ngày càng góp phần vào “nền kinh tế lười biếng”.

Nấu ăn tận nơi

Nấu ăn tận nơi giống như việc thuê một đầu bếp tại nhà, người cung cấp cho khách hàng mọi thứ, từ các món ăn dịp lễ hội cho đến các món ăn hàng ngày. Dịch vụ này đang được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu. Người dùng thường bỏ ra khoảng 68-128 nhân dân tệ (10-20 USD) cho tối đa 4 món ăn, với một số nhà cung cấp dịch vụ thậm chí còn hứa sẽ dọn dẹp sau đó.

“Trải nghiệm phục vụ thực tế phức tạp hơn tưởng tượng ban đầu”, theo Hu Junzhen, một đầu bếp ở Quảng Châu, người đã bắt đầu làm dịch vụ nấu ăn tận nhà từ tháng 10 năm ngoái, đồng thời cho biết thêm phải mất hàng giờ để tìm hiểu về khẩu vị của khách hàng.

‘Nền kinh tế lười biếng’ ngày càng phát triển tại Trung Quốc ảnh 1

Một bữa ăn do đầu bếp Hu Junzhen nấu tại nhà cho thực khách. Ảnh: Sixth Tone

Đầu bếp Hu cho biết hầu hết khách hàng của anh là những người lao động trẻ ở thành thị và những bà mẹ không có nhiều thời gian nấu ăn trong khi phải chăm sóc con cái.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ đầy tiềm năng này đã gặp phải những thách thức liên quan đến thủ tục tiêu chuẩn hóa, với cảnh báo của cơ quan giám sát quyền người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. Hu cho biết anh cố gắng đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình và hy vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn để công việc kinh doanh có lãi.

Tổ chức cuộc sống

Nhiều người trẻ tại Trung Quốc đang tìm tới những chuyên gia tối ưu hóa lối sống trong nhà của họ. So với các dịch vụ dọn phòng và dọn dẹp truyền thống, dịch vụ tổ chức cuộc sống này mang đến một giải pháp tùy biến, mặc dù có mức giá cao hơn.

Li Xiaorong, người sáng lập một công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ tổ chức cuộc sống có trụ sở tại Hàng Châu, cho biết rằng hầu hết khách hàng của cô là các bà nội trợ trẻ, nhân viên văn phòng cấp cao và những người có ảnh hưởng trên mạng. Cô cho biết nhiều người lựa chọn dịch vụ này để giúp giải quyết các vấn đề tình cảm của họ.

‘Nền kinh tế lười biếng’ ngày càng phát triển tại Trung Quốc ảnh 2

Ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc chọn lối sống tối giản. Ảnh: Sixth Tone

“Nhiều lúc, nó không chỉ là giải quyết các vấn đề liên quan đến đồ vật, mà còn là giải quyết các vấn đề liên quan đến mối quan hệ”, Li nói và cho biết thêm rằng nhiều bà nội trợ đã sử dụng dịch vụ như một cách để chấm dứt tranh chấp với các thành viên trong gia đình họ, trong khi nhân viên văn phòng coi một không gian sống có tổ chức như một biểu tượng của sự hài hòa.

Theo một bài báo trong ngành, giá trị sản xuất hàng năm của ngành tổ chức cuộc sống đã đạt 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020. Năm 2021, Bộ Nhân sự và An sinh xã hội thừa nhận tổ chức cuộc sống là một nghề mới, cho biết cần gần 20.000 nhân lực tham gia thị trường này, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng, mặc dù tỷ lệ tiêu chuẩn trong toàn ngành và chất lượng dịch vụ vẫn là một vấn đề.

Đồ ăn nấu sẵn

Tháng 7 năm ngoái, hàng triệu người dùng đã tham gia một buổi phát trực tiếp trên ứng dụng Douyin để mua món cá dưa cải bắp chế biến sẵn được bán với giá 0,01 nhân dân tệ. Buổi phát trực tiếp kéo dài 19 giờ của công ty Qudian đã kết thúc việc tạo ra doanh thu 250 triệu nhân dân tệ, cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm này là rất cao.

Nhu cầu cao đã thu hút một số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này trong những năm gần đây, với doanh số bán các đồ ăn nấu sẵn trong mùa mua sắm 11/11 năm ngoái đã tăng gấp đôi so với năm trước.

‘Nền kinh tế lười biếng’ ngày càng phát triển tại Trung Quốc ảnh 3

Các loại đồ ăn sơ chế ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Sixth Tone

Theo công ty tư vấn thị trường iiMedia, Trung Quốc hiện có khoảng 64.000 doanh nghiệp liên quan đến thực phẩm sơ chế và thị trường dự kiến sẽ đạt hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2026.

“Nó tiết kiệm rất nhiều thời gian và làm cho việc nấu một món ăn trở nên thân thiện hơn rất nhiều đối với những người mới bắt đầu nấu ăn như tôi", Luo, một người tiêu dùng 22 tuổi, chia sẻ. “Một gói hàng sẽ bao gồm tất cả thực phẩm sống, thậm chí cả gia vị và bạn chỉ cần nấu ăn".

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và chất béo đã làm dấy lên mối lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe. Theo khảo sát của tờ Nhân dân Nhật báo, đồ ăn nấu sẵn là một trong những mặt hàng bị người tiêu dùng phàn nàn nhiều nhất vào năm ngoái.

Đồ gia dụng thông minh

Khảo sát của công ty Zhimeng cho thấy 69% những người sinh sau năm 1980 tự cho mình là “chuyên gia” trong việc sử dụng các thiết bị thông minh để dọn dẹp nhà cửa. Con số đó tăng lên 90% đối với những người sinh sau năm 2000.

Nhu cầu làm cho công việc gia đình trở nên thuận tiện hơn đã tạo ra sự bùng nổ cho các thiết bị thông minh, với 260 triệu sản phẩm mới được tung ra thị trường vào năm 2022. Robot lau nhà đã nổi lên như một trong những công nghệ phổ biến nhất, với doanh thu đạt 11 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021, tăng trưởng 17% so với năm trước, theo tư vấn thị trường AskCI.

Những robot này có mức độ tự chủ cao hơn và đi kèm với các tính năng tự động đổ đầy nước, đồng thời giặt và làm khô cây lau nhà. Trong khi một số người tiêu dùng nói rằng mức giá quá đắt thường không tương xứng với dịch vụ mà robot cung cấp, đôi khi chúng còn làm hỏng đồ đạc, thì nhiều người khác lại có vẻ hài lòng.

Irene Ge, một cư dân Thượng Hải, người đã trả gần 6.000 nhân dân tệ cho một robot hút bụi, cho biết: “Điểm hấp dẫn lớn nhất của robot là nó giúp hoàn thành các công việc nhà. Đó là một sự giải phóng thực sự cho bàn tay và cơ thể của chúng ta".

Theo Sixth Tone
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).