Theo đó, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.
Theo nguồn tin trước đó, trong tháng 9 NHNN có thể sẽ điều chỉnh room tín dụng khoảng 3% - 5% cho 15 ngân hàng đã niêm yết. Trong đó, Vietcombank và MB là các ngân hàng sẽ được cấp hạn mức bổ sung cao nhất lần lượt 5% và 4%.
Các ngân hàng còn lại có thể được cấp thêm khoảng 3% gồm: BIDV, VietinBank, ACB, HDBank, SHB, Sacombank, VPBank, LienVietpostBank, MSB, Seabank, Eximbank,VIB và OCB.
Ngoài ra, Agribank cũng có trong lần điều chỉnh room tín dụng này của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, SSI Research cũng cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3 - 5%, tùy vào tình hình "sức khỏe" của từng ngân hàng.