Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Đúng địa chỉ nhưng phải khẩn trương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời nguồn kinh phí từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, tránh trục lợi.
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Gói hỗ trợ lãi suất trị giá hơn 40.000 tỷ đồng trong năm 2022-2023 là chính sách hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn nhất từ trước tới nay sử dụng ngân sách Nhà nước được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Khoản "vốn mồi" này được ví như chiếc phao vàng giúp doanh nghiệp tăng vốn lưu động sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng trục lợi chính sách, đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những bước đi vô cùng cẩn trọng.

Đúng, trúng nhưng còn chậm

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Công ty cổ phần công nghệ Hà Lan, một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, đã nhanh chóng lập hồ sơ tiếp cận gói hỗ trợ này.

Ông Vũ Văn Hòa, Giám đốc Công ty cho biết: "Với dư nợ 40 tỷ đồng tại ngân hàng, tiếp cận sớm với gói hỗ trợ lãi suất 2% đã giúp công ty tiết giảm được gần cả tỷ đồng chi phí lãi vay. Số tiền tuy không quá lớn nhưng rất cần thiết đối với doanh nghiệp trong bối cảnh giá nguyên, nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao kéo theo chi phí hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay cũng tăng tương ứng."

"Việc hỗ trợ lãi suất kịp thời đã giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đồng thời, tiết giảm chi phí hoạt động cũng giúp cho giá thành sản phẩm đầu ra được ổn định, tránh tình trạng tăng giá bán đột ngột" - ông Hòa chia sẻ.

Tuy vậy, đây chỉ là một trong số ít doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất sau gần 3 tháng triển khai Nghị định 31.

Tổng hợp báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đến nay mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là một con số quá thấp so với mức 40.000 tỷ đồng của tổng gói hỗ trợ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại vẫn còn hạn chế. Một số nguyên nhân chính dẫn tới chính sách chậm triển khai là do khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay và nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại xoay quanh việc triển khai Nghị định 31 được biết hạn mức gói hỗ trợ phân bổ về từng ngân hàng cho 2 năm 2022 và 2023 là không quá lớn nên số lượng khách hàng được tiếp cận gói này cũng là một con số khá hữu hạn, việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ cũng đòi hỏi những bước đi rất cẩn trọng để dòng vốn đến đúng và trúng đối tượng.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cho biết để đủ điều kiện vay vốn theo gói hỗ trợ lãi suất trên, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần cung cấp các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Nhưng đôi khi, để có được hóa đơn thì khách hàng phải mất tới 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong khi khoản hỗ trợ lãi suất 2% không quá lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến một số doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ còn chưa "mặn mà" với chính sách này.

"Chưa kể, nhiều khách hàng cá nhân là hộ gia đình sản xuất kinh doanh muốn được áp dụng gói hỗ trợ lãi suất 2% thì phải có giấy phép kinh doanh nhưng nhiều hộ lại không đăng ký kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ," vị lãnh đạo nói thêm.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Quốc Phương nhận định trong giai đoạn đầu triển khai các chính sách đòi hỏi phải soạn thảo rất nhiều loại văn bản quy định, hướng dẫn triển khai, nên sự chậm chễ là điều không khó hiểu.

Tiến sỹ Lê Quốc Phương đánh giá ngay từ đầu năm, Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương khi ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Nhưng đến tháng 5/2022, Nghị quyết số 31 mới được ban hành và tiếp sau đó, Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31. Tuy nhiên, đến nay nhiều ngân hàng thương mại vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có được hướng dẫn thực hiện cụ thể cho các đơn vị trong hệ thống của mình.

Dù vậy, đây vẫn chưa phải là nguyên nhân chính khiến chính sách chậm triển khai. Theo vị chuyên gia này, hạn mức tín dụng (room tín dụng) của nhiều ngân hàng đã chạm trần ngay trong nửa đầu năm, nếu không được nới room thì sẽ không thể cho vay tiếp được.

Nhưng việc nới room cũng không hề đơn giản, bởi nếu Ngân hàng Nhà nước nới room đồng loạt cho các ngân hàng sẽ gây áp lực rất lớn lên lạm phát, một cuộc đua tăng lãi suất sẽ xảy ra vô tình làm vô hiệu hóa gói hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời gây áp lực lên tỷ giá và ổn định vĩ mô.

Ngoài ra, khách hàng vay đều phải đáp ứng đầy đủ điều kiện không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, có kế hoạch kinh doanh tốt. Điều này cũng khiến các đối tượng cần hỗ trợ khó đáp ứng.

Gỡ nút thắt, đẩy nhanh hỗ trợ

Nền kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh này, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng các doanh nghiệp cần thêm nguồn vay mới để khôi phục mở rộng sản xuất, nếu không nới room, việc hỗ trợ lãi suất sẽ chỉ thực hiện được với các khoản vay cũ thì hoạt động sản xuất cũng chỉ duy trì được như trước đây, không tạo ra được động lực mới cho doanh nghiệp quay trở lại đường đua.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Đúng địa chỉ nhưng phải khẩn trương ảnh 1
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Vì vậy, để gói hỗ trợ lãi suất 2% thực sự ý nghĩa, giúp doanh nghiệp huy động vốn giá rẻ, ông Cường đề xuất cần mạnh dạn nới rộng thêm room tín dụng để ngân hàng có dư địa cho vay và doanh nghiệp có thể tiếp cận gói vay mới với lãi suất ưu đãi, như vậy sẽ mang lại tác động tích cực hơn cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, tiến sỹ Lê Quốc Phương đề xuất nên xem xét nới room tín dụng trong điều kiện hạn mức tín dụng toàn nền kinh tế không đổi. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cụ thể từng ngân hàng để "chia lại miếng bánh" một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất cho phép các doanh nghiệp có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm thay vì chỉ "vịn" vào yếu tố tài sản bảo đảm như hiện nay.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hiệu quả, theo tiến sỹ Lê Quốc Phương còn cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Song song với đó cũng cần thêm các chính sách đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giúp giảm chi phí, giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời thúc đẩy nâng cao tính liên kết giữa các doanh nghiệp.

Mặt khác, tình hình giá cả đang tăng rất mạnh trên toàn cầu, vị chuyên gia đề xuất cần thêm các chính sách về thuế, chính sách hỗ trợ giúp kiềm chế giá, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Trong Hội nghị triển khai Nghị định số 31 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phó Tổng Giám đốc Trần Phương nhấn mạnh: "Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31 và Thông tư 03 là chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, khách hàng; trong đó vai trò của BIDV nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung trong việc triển khai là rất quan trọng."

Phó Tổng Giám đốc BIDV yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ để kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, đối tượng, mục đích và an toàn; triển khai đưa vào vận hành phần mềm quản lý khoản vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, BIDV phải chú trọng đến kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất và truyền thông đến khách hàng, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Trước đó, ngân hàng này đã chủ động ban hành Nghị quyết về thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ lãi suất, văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình phần mềm quản lý khoản vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị đinh số 31 để thực hiện tự động việc hạch toán hỗ trợ lãi suất, đáp ứng yêu cầu triển khai nhanh cho nhiều khách hàng, hạn chế sai sót trong quá trình tác nghiệp, báo cáo.

Đánh giá việc giải ngân là rất khó khăn dù Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã rất cố gắng triển khai gói hỗ trợ lãi suất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời sửa đổi.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan) để tiến hành khảo sát tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ, trong Chỉ thị ban hành mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng; trong đó công tác tín dụng cần gắn với triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.

Chỉ thị cũng nêu rõ, cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất./.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.