Mong một bức ảnh hòa bình, một ngày nào...
Nếu phải chọn ngay một điểm xuất phát của ký ức, nhà báo Nick Ut chọn hồi tưởng về thời niên thiếu của mình. Đó là khoảng thời gian trước năm 1963, mười mấy tuổi, cậu thiếu niên Nick Ut thường xuyên đi theo người anh ruột Huỳnh Thanh Mỹ - phóng viên ảnh của hãng tin Associated Press (AP) để xem anh chụp lại những diễn biến ở Sài Gòn. Nick Ut cũng theo anh trai vào dinh Độc Lập khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm. Huỳnh Thanh Mỹ thấy em trai đặc biệt quan tâm tới chụp ảnh đã chia sẻ rất nhiều kiến thức, phần vì cho rằng không thể ngày nào cũng chứng kiến nhiều người chết vì chiến tranh, có thể Việt Nam sẽ cần nhiều phóng viên chiến trường hơn; phần vì mong em trai hiểu được ước muốn “chụp được một bức ảnh có thể đem lại hòa bình, một ngày nào đó không xa”.
Nỗi buồn bất ngờ ấp tới, năm 1965, phóng viên ảnh Huỳnh Thanh Mỹ tử trận khi đến địa bàn Cần Thơ. Nick Ut muốn thay anh trai thực hiện khát vọng dang dở, xông pha vào mặt trận để chụp được tấm ảnh nói lên sự thật tàn khốc của bom rơi đạn nổ, hướng đến tương lai hòa bình nên đã xin vào chính hãng AP làm. Tuy nhiên, khi đó Nick Ut mới 15 tuổi nên bị đuổi vì... còn quá nhỏ phải lo học hành. Không nản chí, đầu năm 1966, Nick Ut lại tới hãng AP xin làm phóng viên. Lần này, cánh cửa cơ hội không đóng sập trước mắt chàng trai trẻ.
Thời gian đầu khi được hãng AP nhận, Nick Ut học việc trong phòng tối rửa phim, sau đó được hãng cấp cho máy ảnh để chụp đường phố Sài Gòn. Chừng một tháng sau, Nick Ut trở thành phóng viên chiến trường.
Khi được hỏi, 16 tuổi đi từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến Huế, Đà Nẵng và khắp các tỉnh đổng bằng sông Cửu Long... nhà báo Nick Ut có thường trực nỗi sợ hay không? Ông không nhắc nhiều về nỗi sợ. Mà nhắc đến ám ảnh chiến tranh như một sợi dây mảnh mà dai nối tới thực tại. Nhà ông giờ ở Mỹ, gần sân bay Los Angeles, không ít lần nửa đêm có máy bay bay qua, ông đang ngủ hoảng hốt bật dậy tức khắc vì tưởng đó là tiếng máy bay trong chiến tranh năm xưa. Hóa ra có những chuyện cũ, những phản xạ... đã hằn sâu, khó tách khỏi.
Bám sát chiến trường từ năm 1966-1975, quá nguy hiểm đối với một phóng viên, vì sao Nick Ut lại “xuyên qua” được nỗi sợ và làm vô hình nó? Ông nói rằng, tuổi 16 độc thân không vướng bận gia đình, còn trẻ nên mạo hiểm dấn thân. Phóng viên vào mặt trận là chấp nhận có thể gặp bao vây và máy ảnh trên tay không phải khẩu súng. Đạn sượt qua xém tóc, đạn trúng tay chảy máu, đạn trúng đùi đột ngột... Phóng viên dẫu có nằm viện trị thương, tưởng chừng phải bỏ nghề thì vẫn “say” nghề, cầu mau chóng được ra chiến trường để tìm cách thu thập những hình ảnh vạch trần sự tàn sát thảm khốc của chiến tranh: những người mất nhà mất cửa, người trúng phải đạn bom... Trên chiến trường, Nick Ut nhớ anh ruột tha thiết, mong 2 chữ “hòa bình” ráo riết.
“Em bé Napalm”
Trảng Bàng, Tây Ninh, tháng 8/1972 giao tranh dữ dội. Nhà báo Nick Ut đã chứng kiến hàng nghìn người dân địa phương dắt theo con cái, trâu bò chạy khỏi thị xã. Ngày 8/6/1972, máy bay Việt Nam Cộng hòa dội bom xuống làng Trảng Bàng khi đang xảy ra giao tranh, do nhầm lẫn, máy bay ném trúng vào phía trước Thánh thất Cao Đài – nơi một gia đình lánh nạn.
Hôm ấy, nhà báo Nick Ut dự định chụp nốt mấy tấm rồi về. Nhưng sau khi theo lính Việt Nam Cộng hòa vào khu rừng gần đó, đi trên quốc lộ 1, ông bỗng nghe tiếng hai chiếc phi cơ lao tới: một chiếc thả quả bom làm cả thị xã rung lên, 2 phút sau, chiếc còn lại nhào xuống thả 4 quả bom Napalm.
Cứ ngỡ thị xã không còn bóng người, vậy mà ngay ngã ba Trảng Bàng đen mịt khói, một đám trẻ con vừa khóc vừa chạy túa ra, trong đó một cô bé bị cháy hết quần áo (Phan Thị Kim Phúc) hét lớn “Nóng quá, giúp tôi”. Chớp vội khoảnh khắc! Rồi Nick Ut chạy ngay tới dội chai nước lên lưng cô bé bị bỏng nặng, mảng da trên tay cô bé như chảy tuột xuống. Cô bé Kim Phúc bất tỉnh. Nick Út đưa cô và những đứa trẻ đang bị thương khác vào Bệnh viện Barksy ở Sài Gòn.
Nhà báo Nick Ut thuật lại, sau khi chụp bức ảnh “Em bé Napalm”, trên đường đưa Kim Phúc vào viện ông không ngừng cầu nguyện cho cô bé có thể vượt qua cơn đau và chắp tay nghĩ tới anh trai Huỳnh Thanh Mỹ đã mất. Nick Ut xúc động lẩm nhẩm: Anh ơi, hình như em chụp được một tấm ảnh, em không biết nó có làm chấm dứt chiến ngay tranh hay không nhưng em tin nó có thể “cất tiếng nói hòa bình”. Ngay hôm sau, bức ảnh Nick Ut ghi lại khoảnh khắc Kim Phúc trong tình trạng khỏa thân chạy giữa những người di tản gồm dân làng, binh sĩ, và các nhà báo nhiếp ảnh được đưa lên trang bìa của tờ New York Times và trở thành một trong những hình tượng ám ảnh nhất của Chiến tranh Việt Nam.
Cũng nhờ tấm ảnh “Em bé Napalm”, người dân khắp nơi thế giới đã đứng lên biểu tình dữ dội nhằm chống lại chiến tranh, hãng tin AP gọi đây là bức ảnh có thể đem lại hòa bình. Theo nhà báo Nick Ut, trong những năm qua, nhiều người lính Mỹ đã viết thư cho ông để nói lời cám ơn, nhờ tấm ảnh “Em bé Napalm” mà họ được rời Việt Nam về Mỹ sớm. Còn những người lính Mỹ chờ đi vào Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng, nhờ tấm ảnh được lan truyền mà họ không phải bước vào cuộc chiến.
Kinh nghiệm và lương tâm người cầm máy
Nhắc về “em bé Napalm” Nguyễn Thị Kim Phúc, Nick Ut kể, vết thương quá nặng nên khó ai có thể tin là cô bé có thể sống sót. Ban đầu y tá viện từ chối nhận chữa trị cho Kim Phúc bởi không có đủ thuốc và phương tiện. Nick Ut nghĩ nếu không hết lòng giúp đỡ thì cô bé sẽ chết mất, bèn rút thẻ nhà báo ra và nói nếu họ không chữa thì ngày mai những hình ảnh này sẽ tràn ngập trên mặt báo.
Kỳ tích xảy ra, sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện và phải trải qua 17 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc được về nhà. Nhà báo Nick Ut tiếp tục thăm nom cô cho đến khi ông rời Sài Gòn năm 1975. Hiện ông và “cô bé Napalm” Kim Phúc năm xưa vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết, Kim Phúc mỗi khi gặp nhà báo Nick Ut đều gọi là ba xưng con.
Sau 51 năm cầm máy, nay nhà báo Nick Ut đã nghỉ hưu được 9 tháng. Các trường đại học ở Mỹ có mời ông giảng dạy nhưng ông từ chối. Nghỉ hưu, ông còn bận hơn. Ông dành thời gian cho gia đình, trở về Việt Nam, đi nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia các hội thảo, triển lãm ảnh, chia sẻ kinh nghiệm làm báo cùng sinh viên, phóng viên trẻ...
Một điều nhà báo Nick Ut luôn nhấn mạnh, đã là ảnh báo chí, ảnh thời sự thì ông không bao giờ dùng photoshop: tuyệt đối trung thực về không gian, bối cảnh, thời gian, mô tả nhân vật và không được dàn xếp nhân vật hay bắt nhân vật hướng vào ống kính máy ảnh. Báo Mỹ không bao giờ chấp nhận phóng viên dùng ảnh photoshop, ngay cả ảnh nghệ thuật đem đi dự thi nếu dùng photoshop cũng không ai mua. Ông lấy ví dụ, một phóng viên báo Los Angeles Time tác nghiệp ở Iraq, chụp một người lính đang cầm súng. Vì sau lưng người lính dây điện chằng chịt, phóng viên này đã dùng photoshop xóa dây điện, đồng thời xử lý nhiều kỹ thuật trên bức ảnh. Sau khi bức ảnh được tòa báo sử dụng, có độc giả phát hiện ra phóng viên sửa ảnh, sự nghiệp của phóng viên bỗng “tan thành mây khói”. Một phóng viên khác bị hãng thông tấn Reuters sa thải, vì chụp được bức ảnh máy bay Israel nhào xuống bỏ bom ở Liban nhưng do khói trên bức ảnh chưa đủ đen nên đã dùng photoshop để thêm khói vào…
Nói về những phóng viên trẻ tại Việt Nam, nhà báo Nick Ut đưa lời khuyên, chỉ nên mua một chiếc máy ảnh vừa tiền thôi chứ đừng sắm sửa hàng loạt Leica, Nikon, Canon... “Chụp ảnh là do đầu óc của mình. Thấy thì chụp. Thời kỳ chiến tranh tôi đâu có kén chọn máy ảnh nào. Thời nào cũng vậy, các anh chị em phóng viên trước tiên phải hiểu một cái máy ảnh, một ống kính, chứ đừng mua một lúc 3, 4 cái máy ảnh đi khoe khoang” – nhà báo Nick Ut đưa quan điểm. Mỗi bức ảnh có thể phản ánh được lòng nhân ái, kinh nghiệm, buồn vui, khổ đau... lẫn lương tâm người phóng viên. Nếu năm xưa nhà báo Nick Ut chỉ chụp tấm ảnh “Em bé Napalm” và sau đó bỏ mặc số phận những đứa trẻ thì chắc chắn ông sẽ dằn vặt rất nhiều, chứ không thể sum vầy ấm áp như bây giờ.
Sẽ nhớ Nicky
Chọn nghề phóng viên ảnh, trước khi kết hôn, Nick Ut đã “rào trước” với vợ là ông không bỏ nghề được, vợ ông đành “thua”, bà hiểu ông yêu nghề và luôn bận rộn di chuyển. Con cháu ông không những hiểu điều đó mà còn chụp ảnh rất giỏi.
Nhà báo Nick Ut kể: “Tôi không muốn cho con tôi chụp ảnh, bởi đời sống báo chí ngày nay khác đổi so với mấy chục năm về trước, tôi không rõ ở Việt Nam ra sao, tất cả các hãng thông tấn lớn ở Mỹ như The New York Times, The Washington Post... đều giảm bớt nhân viên. Bạn bè tôi giờ mất việc nhiều lắm”. Do đó, con ông học báo chí giờ hướng về làm phát thanh viên, lương tốt nên ông cũng mừng.
“Cái tay mỏi thôi, chứ tôi vẫn yêu nghề lắm” – nhà báo Nick Ut cười lớn, về hưu rồi ngày nào ông cũng có nhiều ảnh đẹp đăng Facebook và Instagram, kết nối với bạn bè khắp thế giới. Ông hài lòng về cuộc sống thanh bình hiện tại, khi ông luôn gần cộng đồng người Việt Nam; gặp bạn bè từ ngày xưa và những người bạn mới. Ở Việt Nam, ông thích được cùng bạn bè cà phê, ăn trưa và thấy ngon nhất là món chả cá Lã Vọng. Trong đôi mắt Nick Ut, Hà Nội thật dễ thương, ông chụp ảnh những người lao động tần tảo và dù chụp khi sáng sớm chưa mở hàng, họ cũng thân thiện chứ không gắt gỏng. Đôi lúc, ông chỉ muốn được rong ruổi chụp ảnh khắp các làng quê Việt Nam yên ả, ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Nhiều bảo tàng trên thế giới đã ngỏ lời xin nhà báo Nick Ut bức ảnh “Em bé Napalm”. Ông đã tặng cho các bảo tàng ở Washington D.C, Mỹ bức ảnh, thẻ nhà báo, nón sắt cùng các trang phục ông mặc thời tác nghiệp chiến tranh Việt Nam. Bởi muốn các thế hệ học sinh sinh viên Việt Nam hiểu hơn về lịch sử nước nhà, nhà báo Nick Ut cũng tặng bức ảnh “Em bé Napalm” và những chiếc máy ảnh thời chiến cho Bảo tàng Phụ Nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM, Bảo tàng Báo chí Việt Nam...
Điều tuyệt vời hơn với Nick Ut là những mối quan hệ chân thành sau bao năm lăn lộn với nghề, dù ông vắng mặt hay có mặt ở các sự kiện, những người quen biết ông đều hỏi han và nói “I miss you, Nicky” (Tôi rất nhớ bạn, Nicky).
Sau 51 năm cầm máy, nay nhà báo Nick Ut đã nghỉ hưu được 9 tháng. Các trường đại học ở Mỹ có mời ông giảng dạy nhưng ông từ chối. Nghỉ hưu, ông còn bận hơn cả lúc chưa về hưu. Ông dành thời gian cho gia đình, trở về Việt Nam, đi nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia các hội thảo, triển lãm ảnh, chia sẻ kinh nghiệm làm báo cùng sinh viên, phóng viên trẻ...