Lớp Văn khóa 8 Đại học Tổng hợp Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 101 người. Từ buổi lên lớp đầu tiên tại giảng đường 19 Lê Thánh Tông, những bữa ăn sinh viên đông đúc ngày mới vào trường ở Láng, Mễ Trì, máy bay Mỹ gầm rít trên bầu trời Hà Nội dẫn đến "cuộc trường chinh" sơ tán từ Hà Nội lên Đại Từ, Thái Nguyên... đến nay, hơn 60 năm ra trường, khi nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các bạn đồng môn đều có chung nhận định: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn là người bạn học thân ái, khiêm nhường, giản dị và chu đáo. Anh mất đi, chúng tôi mất đi một người bạn lớn".
Chúng tôi mất đi một người bạn lớn
Thế là Bạn đã về Trời/ Gửi lại đất Mẹ cơ ngơi huy hoàng/ Tám mươi năm ấy tuổi vàng/ Học hành – Công việc vào hàng vĩ nhân/ Với tôi bạn học thân gần/ Nhớ thương Bạn biết bao lần lệ rơi/ Phải chăng vất vả cõi đời/ Bây giờ Bạn được thảnh thơi cõi Trời/ Tạm biệt nhé Bạn yêu ơi/ Hẹn ngày gặp lại nối lời tâm giao. Đó là những dòng thơ của ông Dương Quang Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thông tin - Báo chí Văn phòng Chính phủ khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.
Trong mắt bạn bè đồng môn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người bạn tốt, sống nghĩa tình, nhân văn trong cả công việc lẫn đời thường. Nhà báo Trần Đình Thảo, nguyên Phó trưởng Ban biên tập tin Trong nước - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết: "Anh Trọng là sinh viên tốt bụng, hiền lành, nhân hậu, dễ tính và rất chăm học. Anh luôn nói năng nhẹ nhàng, tính tình điềm đạm, chu đáo nên được bạn bè, thầy cô vô cùng quý mến. Các thầy như Giáo sư Đinh Gia Khánh, Giáo sư Nguyễn Kim Đính, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Sơn… đều có ấn tượng rất tốt và đánh giá anh rất cao. Anh cũng là người sống có tình, có nghĩa. Mỗi lần đi họp lớp, anh đều đến bắt tay từng người, thậm chí nhớ tên, đôi nét tiểu sử, gia đình của các bạn, dù có những người 30-40 năm sau mới gặp lại. Dù là lãnh đạo cao nhất nhưng chúng tôi không hề nhận thấy ở anh sự xa cách. Đó là điều rất đáng quý trong nét tính cách đặc trưng của anh".
Bà Nguyễn Thị Hòa, cán bộ Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam cũng nhìn nhận: "Anh Trọng là một người bạn giản dị, chân thành, luôn chỉn chu trong học tập, lúc nào cũng hoàn thành tốt nhất mọi công việc lớp giao: lớp phó phụ trách lao động, lớp phó phụ trách đời sống, lớp phó phụ trách học tập, Bí thư Chi Đoàn... Lớp chúng tôi hơn 100 sinh viên, cũng là hơn 100 cá tính, thậm chí có những cá tính rất dị, "chả giống ai", được bạn bè gán cho những nickname để ghi nhớ. Ấy vậy mà anh Nguyễn Phú Trọng chẳng "dị ứng" với đối tượng nào, ai cũng có thể tìm đến anh để chia sẻ. Riêng với tôi, sau khi đã trưởng thành, mỗi lần được tiếp xúc với anh - lúc ấy đã là người đứng đầu đất nước, vẫn giữ ấn tượng tốt, thậm chí còn sâu sắc hơn trước, Anh vẫn luôn thân ái, khiêm nhường, giản dị, chu đáo với bạn bè".
Xúc động trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Vũ Thị Kim Hải, nguyên Trưởng ban biên tập tin Trong nước, TTXVN cho biết: "Anh đã hết lòng hết sức vì công việc, không có một phút nghỉ ngơi. Chúng tôi đã hẹn khi anh nghỉ hưu sẽ đến thăm, cùng trò chuyện không phải về công việc của Đảng, của đất nước, chỉ là những câu chuyện về cuộc sống đời thường thế nhưng không thể nữa rồi".
"Đã có nhiều nhận định của các bạn đồng môn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: cần cù, chịu khó, chăm chỉ đức độ. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi tại sao lại có một con người xuất chúng như vậy và tôi hiểu ra: Anh là người đại diện cho cả một thế hệ của chúng tôi - thế hệ được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng", thế hệ chúng tôi học lớp 10 là năm 1960, đến 1963 vào Đại học. Đó là những năm tháng rất đẹp, chúng tôi - mỗi người đều có hoài bão, mang lý tưởng thanh niên cao đẹp, sẵn sàng lên đường tham gia giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội rất mạnh mẽ", bà Vũ Thị Kim Hải chia sẻ.
Nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, bạn đồng môn - Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Thảo (nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng) và họa sỹ Nguyễn Hải đã thực hiện bức chân dung khổ 40 x 60 để tặng ông. Bức chân dung sau được hoàn thành năm 2020 nhưng hai năm sau mới trao đến tận tay Tổng Bí thư trong buổi họp lớp ngày 19/6/2022. Tổng Bí thư rất trân trọng và chia sẻ đó là kỷ niệm quý của tình đồng môn.
Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Thảo nghẹn ngào nói: "Anh Trọng giản dị, gần gũi. Mỗi lần về họp với lớp, anh coi như về với một gia đình lớn, không bao giờ quá trịnh trọng, luôn giản dị với anh em, bè bạn, thậm chí xách quà quê đến tặng mọi người. Một câu nói của anh đến nay tôi nhớ mãi, đó là: Tiền tài danh vọng như mây trôi, tình bạn tình người là mãi mãi. Sau khi nói, anh khuỳnh tay như ôm lấy tất cả mọi người... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lý luận kiệt xuất trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, còn là con người mẫu mực, là tấm gương về ứng xử văn hóa. Văn hóa đã trở thành máu thịt, là thói quen trong lối sống của anh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kết tinh văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là biểu tượng mẫu mực của con người Việt Nam tiên tiến, hiện đại".
Những kỷ niệm đẹp về tình đồng môn
Nhà báo Phạm Đức Lượng, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhận định: "Đánh giá về một con người cực kỳ khó, tôn vinh, khẳng định về một vĩ nhân còn khó gấp vạn lần. Nhưng tôi tin, về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không khó như thế, bởi từ mọi góc nhìn, anh hội tụ đầy đủ sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế".
Từ lòng cảm phục, mến yêu, nhà báo Đức Lượng đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Một thư sinh nghèo, vươn lên từ trong khó khăn, thiếu thốn. Hiền lành, giản dị từ guốc mộc, dép cao su, áo quần đơn sơ như bao thanh niên, sinh viên thời chiến tranh, bao cấp. Một tấm gương nghiêm túc, cần mẫn học hành, cố đi tận cùng những kiến thức mở ra. Hiền lành, nhân hậu, bao dung với bạn bè cùng trang lứa, thương yêu, chở che, nâng đỡ thế hệ trẻ em mình. Những đức tính ấy cuốn hút, quy tụ chúng tôi trong tín nhiệm bầu anh làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên. Từ đó, lớp liên tục có các phong trào thi đua sôi nổi. Về cơ sở Mễ Trì, vào lúc đế quốc Mỹ mở rộng chiến chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cả nước thành một chiến trường, sục sôi không khí ra trận. Lớp tôi dấy lên phong trào viết đơn, tự nguyện "xếp bút nghiên lên đường ra trận". Không ít người thể hiện quyết tâm qua lá đơn viết bằng máu. Trong phong trào thanh niên hăm hở xin ra tiền tuyến, tiên phong đi đầu là Bí thư Chi đoàn lớp chúng tôi. Mang nỗi buồn chưa được ra trận, để tránh bom đạn Mỹ leo thang đến Thủ đô, lớp chúng tôi phải hành quân sơ tán. Cả lớp nương tựa nhau đi bộ suốt một đêm xuyên rừng để sáng hôm sau có mặt tại thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cả cuộc đời sinh viên, không một ai trong chúng tôi quên được tình dân, nghĩa Đảng ở mảnh đất này. Sao dân tốt thế! Bà con, cán bộ Hợp tác xã đều bố trí, dành những chỗ ở tốt nhất cho sinh viên, coi chúng tôi như người thân trong gia đình, sẻ chia từ củ sắn, nồi khoai. Tình cảm thân thương ấy giúp chúng tôi vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, khỏa bớt nỗi nhớ nhà".
Nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phan Văn Kính, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Anh là sinh viên giỏi, rất chăm chỉ, cần cù, yêu thích nghiên cứu chuyên sâu về triết học Marx-Lenin. Đặc biệt anh có trí nhớ rất tốt, học đến đâu, nhớ đến đó".
"Tôi nhớ mãi thời điểm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, sau khi anh được bầu làm Tổng Bí thư. Ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng khi họp lớp anh đã nói: Thưa các thầy cô, các bạn, em mãi không quên ơn các thầy cô và tình cảm bạn bè. Dù có làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì cũng chỉ như một đám mây bay qua. Cuối cùng, chỉ còn cái tình, cái nghĩa, tình cảm bạn bè, thầy cô giáo. Nói xong anh khuỳnh tay như ôm lấy tất cả mọi người vào lòng... Hôm nay, trên bầu trời đất Việt, một đám mây tinh khiết và thanh cao đã bay qua như thế", ông Phan Văn Kính xúc động nói.