Đại tá Lê Hãn sinh năm 1929 tại Quảng Trị và gắn bó suốt cuộc đời với binh nghiệp. Trước khi nghỉ hưu, ông là Cục trưởng Cục kỹ thuật Quân khu 7. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Khi nhắc nhớ về Điện Biên Phủ, ông rất xúc động, bởi chiến trường này chính là tuổi thanh xuân của ông, từ Tây Bắc, Thượng Lào đến Điện Biên..., là một thời trai trẻ của ông và bao đồng đội.
Năm 1953, khi đang theo học Trường Pháo binh ở Trung Quốc, đồng chí Lê Hãn cùng một số học viên xuất sắc khác được gọi về nước phiên chế vào Đại đoàn công pháo 351 để tham gia chiến dịch Đông Xuân. Đây là một chiến dịch lớn. Ta huy động nhiều lực lượng tham gia với phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “Đánh chắc, tiến chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng kiên quyết không đánh”.
Trong chiến dịch này, các đơn vị pháo binh non trẻ của ta đã ra quân hết sức bí mật, bất ngờ, lập nên nhiều chiến thắng vang dội. Từ chiến dịch này, và tiếp sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Hãn là đại đội trưởng kiêm chính trị viên đại đội pháo 113, chiến đấu ở Thượng Lào bao gồm Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum, và khi chiến dịch kết thúc, đơn vị lại kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Chứng kiến lực lượng pháo binh non trẻ vào chiến dịch, trong đó có đại đội trưởng kiêm chính trị viên Lê Hãn, một diễn viên Đội nghệ thuật Đại đoàn Quân tiên phong tham gia chiến dịch Điện Biên phủ ngày ấy là bà Ngọc Diệp kể lại:
"Một chiều Tây Bắc vào cuối đông, bầu trời như thấp xuống, gió lạnh thổi buốt giá. Đi giữa rừng già nên càng thêm lạnh. Tuy vậy, năm nay bộ đội được trang bị nhiều áo ấm hơn những chiến dịch trước. Hơn nữa, anh em cũng đã quen với khí hậu Tây Bắc, với Nghĩa Lộ từ năm ngoái, từng vượt qua cái rét khủng khiếp ở đèo Khâu Vai, rét thấu da thấu thịt.
Bỗng có một chuyện lạ trên đường hành quân làm mọi người giật mình. Đang đi, Ngọc Diệp bỗng thấy cả khu rừng chuyển động. Người thấy run cầm cập, tim bỗng đập loạn xạ vì chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Mới ôm chầm lấy đồng đội Xuân Thức kề bên: "Động rừng hả chị?". Xuân Thức trấn an ngay: "Rừng nào mà động. Đó là những khẩu pháo nguỵ trang đấy. Cứ nhìn kỹ mà xem". Rồi Xuân Thức ghé tai Ngọc Diệp thì thào điều hệ trọng: "Một binh chủng mới ra đời đấy. Pháo binh. Nhưng nhớ giữ bí mật nhé!".
Những cỗ xe cao lênh khênh chở bộ đội. Sau đuôi xe là một khẩu pháo cao ngất ngưởng, được ngụy trang bằng những cành lá tươi rung rinh. Lần đầu tiên trong đời, Ngọc Diệp thấy cảnh tượng này. Tiểu đội trưởng Thập cho hay những khẩu pháo này mới mang từ nước bạn về.
Nhìn những pháo thủ ngồi trên xe ăn mặc tươm tất, được trang bị đầy đủ về quân trang, quân dụng, mê ly lắm. Ai cũng thấy bộ đội ta giờ rất oai phong. Ngược lại khi nhìn văn công người đi dép, cũng có người còn đi chân đất, anh em pháo thủ trên xe ái ngại, xúc động thương đồng đội, cúi thả cho văn công những đôi giày mới cứng và vẫy tay nói vui: "Kỷ niệm đấy nhá! Quyết tâm chiến thắng nhá!".
Nhận giày mới, các anh chị em văn công ứa nước mắt vì nghĩa tình các anh...Đường vào chiến dịch là thế, và chỉ ít ngày sau, những cỗ pháo này đã lên tiếng, làm quân thù hết sức bất ngờ và khiếp vía!"
Đại đội 13 của đại đội trưởng Lê Hãn cùng các đại đội pháo binh khác với “vai trần, chân đất” đã làm nên những kỳ tích phi thường, cùng với các lực lượng vượt qua mọi gian khổ hy sinh để vượt núi, trèo đèo, đưa pháo vượt hàng trăm ki-lô-mét lên các sườn núi, bao quanh tập đoàn cứ điểm, hình thành thế vây hãm quân Pháp ngay từ đầu và trong suốt chiến dịch.
Các trận địa pháo binh được bố trí theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu ở cự ly có lợi, hình thành thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc, có chiều sâu, phát huy cao nhất hiệu quả chiến đấu của từng loại pháo.
Biết bao mồ hôi, xương máu, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, những khẩu pháo mới “trèo đèo, vượt núi” qua mặt kẻ thù vào mặt trận. Nhưng, trước quyết định thay đổi phương châm tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đại đội 113 cùng các đơn vị pháo binh đã chẳng tiếc công sức, vượt qua hy sinh để kéo pháo ra, bảo đảm kế hoạch tác chiến của cấp trên được thực thi nghiêm túc.
Các đơn vị pháo binh của ta là nỗi bất ngờ với quân Pháp, góp phần cùng các lực lượng khác làm nên chiến thắng "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Riêng các đơn vị pháo cao xạ phòng không, trong 55 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, đã bắn rơi và phá hủy hàng chục máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái...
Trong 2 năm liền tham gia chiến đấu trên vùng rừng núi Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên, đại đội trưởng pháo binh Lê Hãn luôn gương mẫu và dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng đồng đội và quân chủng pháo binh non trẻ góp phần xứng đáng vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, đồng chí Lê Hãn được cử sang Liên Xô trước đây học ở Học viện Không quân Zhukov, nơi đào tạo các kỹ sư chế tạo máy bay. Đây cùng học viện mà trước đó nhiều năm, Đảng ta đã đưa đồng chí Lê Hồng Phong sang học. Sau khi về nước, đồng chí Lê Hãn được đưa về quân chủng Phòng không- không quân, tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, cho đến trận đánh cuối cùng chiến thắng B52 của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Điện biên trên không tháng 12/1972.
Mặc dù có nhiều chiến tích, nhiều công lao đóng góp như vậy, nhưng trong cuộc sống, Đại tá Lê Hãn là người rất chân phương, đôn hậu, như chị Lê Ngọc Hiếu, con gái út của ông tâm sự về cha: ”Bố sống rất giản dị, khiêm tốn, không đòi hỏi hay mưu cầu bất cứ điều gì”. Tiếp xúc với Đại tá Lê Hãn, ai cũng thấy ông bình dị và dễ thương lạ lùng. Rất khiêm tốn khi nói về mình nhưng rất say sưa nói về chiến công đồng đội.
Yêu đồng chí, đồng đội, yêu thơ văn, và đặc biệt yêu thương con người. Trong cuộc sống đời thường khi nghỉ hưu, ít người biết rằng ông là một sĩ quan cao cấp quân đội, từng đi suốt hai cuộc kháng chiến của đất nước, là người lính bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, trong đó có Huy chương Chiến sĩ Điện Biên Phủ cao quý và là con trai trưởng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta - Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Năm 2022 và năm 2023, biết Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Nhà xuất bản Quân đội tổ chức trại sáng tác tại Cần Thơ (Quân khu 9) và tại Đà Nẵng (Quân khu 5) về đề tài "Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang", đặc biệt để hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đồng chí Lê Hãn đã gửi những món quà quý động viên các nhà văn từng mặc áo lính viết nhiều, viết hay để có thêm những tác phẩm văn học tầm cỡ về anh bộ đội Cụ Hồ và chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Nhà văn Châu La Việt thay mặt Đại tá Lê Hãn tặng quà Trường tiểu học Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ). |
Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, do tuổi cao, sức yếu không thể trở lại chiến trường Điện Biên Phủ vui cùng đồng đội và đồng bào Tây Bắc - Điện Biên, nhưng đồng chí Lê Hãn vẫn gửi tấm lòng mình qua món quà tặng các cháu học sinh trường tiểu học Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) để làm giải thưởng cho các cháu trong cuộc thi vẽ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên".
Cảm động thay tấm lòng của một cựu chiến binh oai hùng từng là đại đội trưởng pháo binh đánh trận Điện Biên Phủ năm xưa. Trân trọng thay tấm lòng của một cựu chiến binh từng suốt đời gắn bó với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.