Shiba Kala Limbu (25 tuổi), nhăn mặt khi nhớ lại cảm giác ruột cồn cào vì đói khi nhường bữa tối cho cô con gái 5 tuổi của mình. Trước đó, chồng của bà nội trợ người Nepal này đã bị mất công việc thợ xây tại Qatar.
Limbu cho biết cô không còn một khoản nào để trang trải kể từ khi chồng mình - anh Ram Kumar, ngừng gửi tiền về cho gia đình.
"Điều này thật đau đớn", cô nói khi đang gọt khoai tây trong một gian bếp tối tăm tại thủ đô Baniyatar. "Tôi đã nhịn ăn nhiều bữa để dành phần cho con mình."
Sự bùng phát của dịch COVID-19 đang bóp nghẹt nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới và khiến hàng triệu người lao động nhập cư rơi vào cảnh thất nghiệp.
Theo số liệu chính thức, khoảng 5,4 triệu hộ gia đình tại Nepal, tương đương 56% dân số của quốc gia này, sống dựa vào nguồn tiền kiều hối.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối đổ về Nepal đã đạt mức 8.1 tỷ USD vào năm ngoái, tức là hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ giảm 14% vào năm 2020 do dịch COVID-19. Hàng triệu người lao động Nepal đang làm việc tại các quốc gia Trung Đông và Malaysia.
Ông Ganesh Gurng - một chuyên gia về các vấn đề di cư tại Viện Nghiên cứu Phát triển Nepal cho biết kiều hối là nguồn sống của nhiều hộ gia đình trung lưu tại các thành phố. Hầu hết các hộ sử dụng số tiền này để trả tiền nhà, mua đồ tạp hóa, thanh toán học phí,...
Theo ông Gurung, nếu không có kiều hối, tình trạng nghèo đói có thể làm gia tăng các tội ác như buôn người và mại dâm.
Quay trở lại với Limbu, đã từng có thời điểm cô nhận được 20.000 rupee (165 USD)/tháng từ chồng mình. Tuy nhiên, cô mới chỉ nhận được 40.000 rupee trong 6 tháng trở lại đây, kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Limbu dự tính sẽ dùng số tiền này để trả tiền thuê nhà và mua nhu yếu phẩm, bởi lẽ đây có thể là tất cả những gì chồng cô có thể gửi về nhà trong năm nay.