Theo thông tin từ Tiền Phong, ngày 2/9, bác sĩ Võ Văn Thanh - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cho biết, tại đây đã bắt thành công con vắt rừng nằm trong khí quản ông A Bói (35 tuổi, ngụ tại xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).
Ông A Bói cho biết sau hơn một tháng cổ họng ngày càng đau, đến khi quá khó thở ông mới đi khám ở Trạm y tế xã, rồi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum… thì bác sĩ mới nói có con vắt rừng đã chui vào làm tổ trong khí quản của ông.
Sau khi thăm khám và nội soi, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã bắt được con vắt rừng còn sống dài 8cm, căng tròn máu.
Con vắt nằm trong khí quản ông A Bói được bác sĩ gắp ra - Ảnh: Tiền Phong |
Theo Nông nghiệp Việt Nam, trước đó, ông A Bói nhập viện trong tình trạng buồn nôn, ho khan, ngứa cổ họng. Thăm khám cho thấy không bị viêm họng, không có các triệu chứng rõ rệt. Kết quả hình ảnh nội soi cho thấy một “vật thể lạ” màu đen được xác định là con vắt rừng, to và dài 8 cm đang bám chặt ở phế quản của bệnh nhân và đã tiến hành gắp ra ngoài. Nguyên nhân có thể xác định do ông A Bói đã uống nước suối khi đi làm rẫy.
Trao đổi với Sức khỏe Đời sống, các bác sỹ cho biết, vắt rừng thường sống ở nước suối, bình thường chỉ nhỏ như đầu tăm nên người dân thường không để ý. Chỉ cần uống nước suối là con vắt theo đường miệng chui vào các khoang mũi, họng, thanh, khí, phế quản sống ký sinh. Khi mới chui vào, kích thước của vắt chỉ vài mm nhưng chúng sẽ lớn rất nhanh nhờ hút máu. Thường con vắt nằm ở phế quản, hốc mũi, tai, di chuyển loanh quanh trong đó, hút máu và lớn dần. Hầu hết mọi người đều không biết, chỉ sau 10-15 ngày mới thấy ngứa cổ, buồn nôn, buổi tối còn có cảm giác có con gì bò ra từ cuống họng. Có người bị con vắt chui vào mũi thi thoảng còn thấy đuôi nó thò ra nhưng túm là nó lại rụt vào...
Tổng hợp