Những con số cứ thế được đưa ra, cụ thể và chi tiết: Giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung, có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần…
Chưa cần phải nhớ các thông số chuyên sâu, chỉ cần ra đường, ở mọi thời điểm, quan sát bằng mắt thường, bất cứ ai cũng có thể thấy bầu không khí Thủ đô bị bao phủ một lớp sương bụi màu trắng đục, ngột ngạt và lởn vởn ở ngang tầm mắt.
Ô nhiễm đã có 20 năm qua
Trong một một bài viết của mình, ông Võ Văn Thuận, Viện Nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng Hà Nội (ITAR) - Đại học Duy Tân chia sẻ, bụi mịn hay các đợt ô nhiễm bụi mịn đã có trong 20 năm qua, chứ không phải gần đây. “Thật ra vấn đề này đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu từ lâu và khá bài bản. Đơn cử cách đây khoảng 20 năm, một đề tài khoa học cấp nhà nước được thực hiện ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Hà Nội) trong năm 1998-1999 nghiên cứu “Ô nhiễm bụi hô hấp có phân biệt kích thước hạt trong môi trường khí đô thị và môi trường sản xuất”. Sau đó, năm 2000-2001, Viện có thêm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xác định các yếu tố tác động đến ô nhiễm bụi hô hấp PM- 10 trong quá trình công nghiệp hoá”. Bằng những phương pháp lấy mẫu không khí ở tầng mặt đất (như trạm khí tượng thuỷ văn Láng) qua các màng lọc chuẩn, người ta đã phân loại được hạt xôn-khí có kích thước bụi hô hấp. Các phép phân tích vật lý và hóa học tiếp theo tách được tất cả các thành phần độc hại của thứ bụi này”.
Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội ngày 13/12/2019. |
Theo các nhà khoa học lúc đó, bụi PM2,5 chủ yếu chứa các thành phần ammonium, sulphate, tro bay... được đưa đến từ xa; ngoài ra có nhiều bụi vật liệu xây dựng, bụi từ phương tiện giao thông và do đốt rơm rạ.
Những ngày tháng gần đây, vấn đề bụi mịn lại nổi lên, “chúng ta không thấy có điều gì quá mới lạ so với kết quả nghiên cứu 10 năm trước, kể cả về quy luật và nguyên nhân ô nhiễm bụi hô hấp. Có chăng thì mỗi thời kỳ vai trò của các nguồn phát ô nhiễm có thể tăng hoặc giảm ở một mức độ nhất định, nhưng mức độ tuyệt đối ô nhiễm dường như đã tăng hơn xưa” – ông Thuận nêu quan điểm.
Chúng ta từng nghe dư luận phê bình các nhà khoa học, khi cho rằng họ chỉ nghiên cứu những vấn đề quá xa vời mà có rất ít tác dụng cho thực tiễn cuộc sống, trong khi các nhà khoa học đã công bố số liệu đầy đủ, chỉ có người đáng lẽ cần sử dụng kết quả thì dường như để quá lâu không dùng và nay đã không biết đến nó nữa. Thậm chí, có thể là những khuyến cáo từ các đề tài 10 năm trước chưa được tiếp thu vận dụng trong đối phó giải quyết vấn đề.
Nguyên nhân từ ông trời và cả con người
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, những ngày vừa qua thời tiết miền Bắc nằm trong giai đoạn chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu nên các khối không khí ít có sự biến động. Không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa làm bớt nhiễm bẩn. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác. Bên cạnh đó, hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí ở mức thấp.
Bầu không khí Thủ đô bị bao phủ một lớp sương bụi màu trắng đục. |
Các chuyên gia cho biết đây là hiện tượng mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa, đặc biệt là mùa Hè tới mùa Đông, với những tháng trời ít mưa, đêm lạnh dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, tầng khí quyển trên nóng dưới lạnh, ngăn cản bụi hô hấp đối lưu bốc lên cao, không thể phát tán pha loãng. Chúng tích tụ trong nhiều ngày, khi có điều kiện, hơi ẩm ngưng tụ trên các tâm bụi tạo ra một màn sương độc hại duy trì khiến tầm nhìn bị giảm. Tình trạng chất lượng không khí ở mức kém ở các tỉnh miền Bắc sẽ tiếp tục duy trì đến cuối tuần và chỉ được cải thiện khi đón một đợt gió từ Đông Bắc, Bắc tràn về.
Tuy nhiên, khi Hà Nội đang chìm trong đợt rét đậm rét hại mới nhất từ cuối tuần 22/12, bảng chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên các ứng dụng điện thoại dù đã bớt sắc tím và nâu, nhưng vẫn dày đặc sắc đỏ. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm PGS.TS Hồ Quốc Bằng, tại TPHCM, hoạt động giao thông đóng góp 50% lượng bụi, hoạt động gia dụng chiếm 30% và công nghiệp chiếm 20% lượng bụi. Riêng xe máy chiếm 37,7% lượng bụi. Số liệu tại HN có lẽ cũng tương đương. Nghĩa là ngoài yếu tố thời tiết và khí hậu, giao thông và các hoạt động của con người là lý do góp phần gây ô nhiễm không khí nặng hơn.
Mỗi người dân đều là nạn nhân, đồng thời cũng là thủ phạm của ô nhiễm môi trường. |
Ông Đỗ Cao Bảo - nguyên Phó Tổng Giám đốc FPT, hiện làm Ủy viên HĐQT FPT đã thử làm phép so sánh: “Gia đình tôi đã lắp 4 máy lọc không khí trong nhà (1 máy ở phòng khách - phòng ăn, 3 máy ở 3 phòng ngủ). Qua một thời gian dùng máy lọc không khí, theo dõi, ghi chép, tôi có một số đúc kết như sau: Nồng độ bụi mịn trong nhà thường thấp hơn ngoài trời từ 3 đến 6 lần, tuỳ vào cửa nhà kín đến đâu và tần xuất và thời gian mở cửa ra vào và cửa sổ (khi ngoài trời 150-180 thì trong nhà cỡ 50 khi chưa bật máy lọc không khí). Tất cả những hoạt động phát sinh ra khói, bụi, nhiệt, mùi đều làm tăng nồng độ ô nhiễm bụi mịn trong nhà, tức nấu nướng, sơn tường, đốt trầm, thắp hương đều làm tăng ô nhiễm bụi mịn thật, thậm chí còn tăng rất cao”. Một số ghi chép khá tỉ mỉ của ông Bảo được chia sẻ: Rán đậu phụ: bụi mịn đang từ 20 tăng lên 30, 35. Nếu rán cá, thịt quay có khét, có cháy bụi mịn đang từ 20 tăng lên 40-60. Thắp một nén trầm (đường kính nhỏ hơn 1mm để cạnh máy lọc), bụi mịn đang từ 20 tăng lên 55, 80, 100, 115. Thắp 3 cây hương nhỏ (trong phòng thờ, cách máy lọc 5m), bụi mịn đang từ 20 lên dần đến 187. Chỉ có đúng 3 cây hương (nhang) nhỏ mà bụi mịn đã lên 187 thì thử hỏi thắp 5 cây, 7 cây, 9 cây còn ô nhiễm đến đâu?
Các đo đạc trên ông đều thực hiện trong lúc máy lọc không khí vẫn đang hoạt động. “Chỉ rán đậu, rán cá ở gia đình mà bụi mịn từ 20 lên đến 35 thế thì nướng thịt làm bún chả khói mù mịt, nướng thịt trên bếp than ở các quán ăn còn ô nhiễm đến đâu. Đến đốt một nén trầm (đường kính nhỏ hơn 1mm), thứ mà chúng ta cho là tốt, là có lợi cho sức khoẻ, chúng ta thấy thơm, muốn hít hà mà bụi mịn còn lên 87, thế thì đốt cả bó hương, nhiều bó hương, hoá vàng mã, đốt than tổ ong, khói xe máy, khói ô tô, khói nhà máy xi măng, khói nhà máy nhiệt điện còn ô nhiễm đến đâu?” – ông Bảo nói.
Nhiều người không có thông tin và không tin rằng Hà Nội đã ô nhiễm từ nhiều năm nay, vì thế việc ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường của mọi gia đình, mọi cá nhân vẫn còn khá dửng dưng. Ngay việc xóa sổ bếp than tổ ong ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn đông dân cư nói chung vẫn là bài toán khó. Theo các chuyên gia, bảo vệ môi trường nói chung, khắc phục ô nhiễm không khí nói riêng phải có sự nỗ lực của cả cộng đồng mới hiệu quả. Mỗi người dân đều là nạn nhân, đồng thời cũng là thủ phạm của ô nhiễm môi trường.