Theo Live Science, câu hỏi này cực kỳ nghiêm túc. Sinh sản hữu tính trong thế giới tự nhiên cực kỳ khó khăn và nhiều khi phải trả giá bằng mạng sống. Nó đòi hỏi phải tìm đối tác, thuyết phục kẻ đó trộn lẫn ADN với bạn, chấp nhận khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc bị con cái ăn thịt sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tất cả những hy sinh đó, chưa chắc đã cho cái kết có hậu, Sally Otto, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học, đại học British Columbia cho biết.
"Kẻ trưởng thành biết mình tồn tại để sinh sản, duy trì nòi giống. Và cứ thế, hai cá thể trộn lẫn gene với nhau", Otto nói. Do đó, sinh sản hữu tính cực kỳ phổ biến trên Trái Đất, vì nó liên quan trực tiếp đến quá trình tiến hóa. Rất có thể người ngoài hành tinh cũng bận rộn với công việc này.
Hình dạng của người ngoài hành tinh luôn khiến cho con người tò mò. (Ảnh minh họa: Live Science).
Trao đổi gene
Không phải tất cả sự sống trên Trái Đất đều giao phối để sinh sản. Các nhà khoa học ghi nhận nhiều trường hợp trinh sản (không phát sinh quan hệ tình dục với con khác giới mà vẫn đẻ con), như rồng Komodo, rắn hổ mang, thậm chí là cá mập.
Amip, sinh vật tồn tại từ hàng tỷ năm trước, rất lâu trước khi cuộc sống đa bào phát triển, bị cho là hoàn toàn vô tính trong thời gian dài. Tuy nhiên, năm 2011, các nhà khoa học đại học Massachusetts tuyên bố, phát hiện amip thực chất có giao phối.
Thực tế, trao đổi gene là tiêu chuẩn cho sự sống trên Trái Đất. Vi khuẩn nhân sơ không giao phối, Otto cho biết, nhưng nó nhận ADN mới bằng cách nuốt vi khuẩn khác, hoặc lây nhiễm ADN nhờ virus, nhờ đó, tăng đa dạng di truyền.
Cuộc cách mạng tình dục
Nếu có thể, Otto nói, rằng sinh sản hữu tính phát sinh cùng với sự tiến hóa của các tế bào nhân chuẩn. Tất cả những mang bên trong ngăn cản sự hấp thu vô tình ADN ngoại lai.
Vì vậy, để xác định xem liệu người ngoài hành tinh có phát sinh giao phối không, Otto nói, là xem xét tế bào của họ.
"Tế bào đó có nhân không, hay có cách nào khác để bảo vệ ADN không?" bà nói. Nếu sự sống ngoài hành tinh là những thực thể có nhân tế bào, thì họ có thể hưởng lợi từ giao phối.
Giao phối có lợi cho vi sinh vật vì môi trường xung quanh luôn biến động, Otto giải thích. Thế hệ sau phải đối mặt với những thách thức về môi trường khác với thời cha mẹ. Do đó, chừng nào môi trường còn thay đổi liên tục, chừng đó biến thể di truyền còn hữu ích.
Sinh sản hữu tính và vô tính đồng thời
Một số loài rệp tự nhân bản vô tính khi nguồn thức ăn phong phú. Theo Otto, những con rệp vô tính này không chỉ mang nhiều đứa con trong bụng, mà có thể, chính những đứa con của nó cũng mang nhiều đứa con khác trong bụng.
"Như là một bộ búp bê Nga vậy", Otto nói, mô tả về con búp bê gỗ nổi tiếng của Nga, mà bên trong có hàng loạt con nhỏ.
Vào cuối mùa sinh sản, lũ rệp lại chuyển sang sinh sản hữu tính. Điều này rất phổ biến, khi chuyển đổi hình thức sinh sản trong thời kỳ khó khăn. Một số loài bọ chét nước giao phối vào mùa xuân, khi nguồn cung thực phẩm giảm hoặc môi trường khắc nghiệt, theo một nghiên cứu năm 1981 trong tạp chí The American Naturalist (Tự nhiên học nước Mỹ). Nấm men Candiada tropicalis cũng có thể sinh sản hữu tính, theo một nghiên cứu trong tạp chí Proceedings của Viện hàn lâm khoa học Mỹ năm 2011.
Amip cũng có khả năng sinh sản hữu tính, theo phát hiện của các nhà khoa học Mỹ năm 2011. (Ảnh: Live Science).
Ký sinh có thể là một tác nhân đẩy nhanh quá trình tiến hóa tình dục của người ngoài hành tinh. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Science, các nhà khoa học cho biết, khi phải chống lại kẻ thù ký sinh, những loài có cơ chế sinh sản hữu tính thường được trang bị nhiều vũ khí di truyền hơn những loài sinh sản vô tính.
Trong nghiên cứu này, họ biến đổi bộ gene của loài giun tròn Caenorhabditis elegans làm cho chúng chỉ có thể sinh sản vô tính hoặc hữu tính. Nhóm thứ ba vẫn được giữ nguyên khả năng chuyển đổi giữa hai phương thức sinh sản này.
Sau đó, giun được đem ra phơi nhiễm với vi khuẩn kí sinh. Họ thấy rằng giun C. elegans chỉ có khả năng sinh sản vô tính đã tuyệt chủng sau khoảng 20 thế hệ. Những cá thể giun còn lại thì không bị ảnh hưởng.
Những nghiên cứu khác trên nấm men và một số loài có khả năng thay đổi phương thức sinh sản dưới tác động của môi trường cũng cho ra kết quả tương tự.
Giao phối thế nào
Nhưng cho dù người ngoài hành tinh có quan hệ tình dục, điều đó cũng không có nghĩa họ làm việc đó theo cách chúng ta thường tưởng tượng.
Ví dụ như cách amip giao phối, một phần tế bào mang vật liệu di truyền (được cho hoặc nhận bởi một amip khác) sẽ được tháo ra và tái đóng gói lại. Khi nấm men sinh sản hữu tính, chúng mọc bào tử, các bào tử này sau đó kết hợp với nhau. Giun tròn lưỡng tính C. elegans thì ngọ nguậy cơ thể để tìm bộ phận sinh dục của bạn tình và chuyển tinh trùng qua cấu trúc gai.
Thậm chí đối với những loài động vật gần gũi hơn, cách giao phối của chúng cũng khá kì quặc. Loài thú có túi Antechinus sống tại Australia và New Guinea, giao phối liên tục trong vòng hai tuần. Con đực thường phục kích con cái và mỗi lần giao phối kéo dài khoảng 14 giờ. Điều này làm cho chúng bị chảy máu trong và mất đi khả năng miễn dịch. Con đực thường không sống sót qua mùa giao phối. Đối với loài linh cẩu, con đực thường phải rất cẩn thận khi giao phối vì con cái có âm hạch rất lớn. Một số con dơi đực phải dùng lưỡi để kích thích cơ quan sinh dục của dơi cái.
Nói theo cách khác, người ngoài hành tinh có thể hoặc không giao phối. Nhưng một điều chắc chắn rằng, khó có thể tìm thấy được thêm thứ gì mà kì lạ hơn những thứ đang tồn tại trên Trái đất này.
Xem thêm:
- Quả cầu kim loại được tạo ra bởi... người ngoài hành tinh?
- Phát hiện “hóa thạch UFO” một triệu năm tuổi?
- Sự mất tích bí ẩn của 5 thành phố cổ xưa trên Trái đất
Theo VNE