Chắc hẳn ai cũng nhớ, cách đây khoảng chục năm trên sóng VTV có phát một chương trình truyền hình thực tế mang tên “Con đã lớn khôn” (tên tiếng Nhật là Hajimete no Otsukai hoặc tên tiếng Anh là My First Errand), trong đó, các em bé Nhật trong tầm 2-3 tuổi được giao nhiệm vụ tự tìm đường đến cửa hàng thực phẩm, tiệm bánh, siêu thị để mua đồ cho gia đình. Quá trình của các bé được thực hiện rất tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn và được đội ngũ camera bí mật theo dõi đằng sau và quay lại.
Các bé Nhật Bản trong độ tuổi 2-3 tuổi đi siêu thị trong chương trình truyền hình thực tế “Con đã lớn khôn”. (Ảnh minh họa)
Khán giả Việt Nam đã từng rất ngỡ ngàng và thán phục trước hình ảnh những em bé Nhật nhỏ xíu băng qua ngã tư, leo lên xe bus, tàu điện ngầm,... để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ trên truyền hình mà trong ngoài đời thực, rất dễ để bắt gặp những em nhỏ tự mình tìm chỗ trên phương tiện giao thông công cộng hay đi bộ đến trường, đến cửa hàng,... như thế ở đất nước Phù Tang.
Kaito – một em học sinh 12 tuổi sống tại Tokyo- đã có kinh nghiệm tự đi tàu điện tới trường được 3 năm. “Lúc đầu em có hơi lo lắng”, Kaito thừa nhận, “rằng liệu em có thể tự đi một mình được hay không. Nhưng đó chỉ là một chút lo lắng rất nhỏ thôi.” Bây giờ, em chia sẻ rằng việc đến trường một mình của em đã trở nên hoàn toàn dễ dàng.
Mẹ kế của Kaito (cậu bé sống cùng bố và mẹ kế) nói rằng: “Thực lòng thì tôi thấy tàu điện ngày nay rất an toàn và chính xác, đúng giờ, dễ sử dụng. Kaito lại là đứa trẻ rất thông minh. Tôi cũng từng tự đi tàu điện khi tôi còn nhỏ tuổi hơn cháu. Bây giờ Kaito còn có cả điện thoại nữa, nếu thằng bé bị lạc thì cháu có thể gọi cho chúng tôi.”
Một bé gái Nhật bình thản tự đi tàu điện một mình. (Ảnh minh họa)
Vì sao cha mẹ Nhật có thể mạnh dạn “thả rông” con như vậy? Liệu các bậc phụ huynh làm thế là quá liều lĩnh khi để con khám phá, phiêu lưu mà không có bố mẹ bên cạnh? Dưới đây là những nguyên nhân lí giải cho phong cách dạy con tự lập đặc biệt này của người Nhật.
Văn hóa hỗ trợ lẫn nhau của người Nhật
Trẻ em Nhật được dạy từ rất sớm rằng mọi thành viên trong cộng đồng đều có trách nhiệm giúp đỡ người khác. Tư tưởng này được thấm nhuần trong quan niệm của các bé từ việc học sinh Nhật ở trường luôn được phân công luân phiên lau dọn và phục vụ bữa trưa cho nhau, thay vì phụ thuộc vào nhân viên nhà bếp.
Học sinh Nhật ở trường luôn được phân công luân phiên lau dọn và phục vụ bữa trưa cho nhau, thay vì phụ thuộc vào nhân viên nhà bếp. (Ảnh minh họa)
Việc mỗi em đều phải chịu trách nhiệm cho một công việc nhất định giúp trẻ nâng cao lòng tự hào, tự tin ở bản thân và ý thức tin tưởng cộng đồng. Các bé sẽ hiểu được rằng, có thể nhờ người khác giúp đỡ khi gặp những tình huống khẩn cấp ở bên ngoài.
Tỉ lệ tội phạm ở Nhật thấp nhất trên thế giới
Đây chính là chìa khóa lí giải vì sao các bậc phụ huynh người Nhật lại dám để con ra ngoài một mình như vậy. Ở Nhật, người dân có thói quen đi bộ và dùng phương tiện giao thông công cộng là chủ yếu. Một nửa việc đi lại ở Tokyo sử dụng đến tàu hỏa hoặc xe bus, một phần tư là dành cho việc đi bộ.
Số phương tiện giao thông cá nhân khá ít, cộng thêm ý thức người dân khiến cho giao thông ở Nhật rất an toàn, ít xảy ra tai nạn. Chính phủ Nhật cũng đã đưa vào hoạt động các tuyến tàu, xe chỉ dành riêng cho nữ giới từ năm 2000, nhằm chống lại nạn yêu râu xanh quấy rối nơi công cộng, do đó mà cha mẹ các bé gái cũng an tâm hơn rất nhiều.
Cách “thả rông” con của cha mẹ Nhật không phải là do những bậc phụ huynh này bỏ bê, không quan tâm đến con cái mà chính là cách để giáo dục con ý thức tự lập. Bằng cách trao cho con quyền tự do, cha mẹ Nhật không chỉ đặt niềm tin vào con trẻ mà còn vào cả cộng đồng. Giáo dục phương Tây cũng dạy trẻ em cách tự lập, tự giải quyết vấn đề và tin tưởng vào bản thân mình nhưng giáo dục Nhật bản còn dạy trẻ em nên tin vào xã hội, tin vào cộng đồng và ý thức tương trợ, giúp đỡ, hợp tác giữa đồng loại với nhau.
Xem thêm:
- Cách mẹ Nhật dạy con tự đi học 1 mình từ khi còn nhỏ
- Tại sao trẻ con Nhật Bản tự lập đến vậy?
- Những chuyện thú vị chỉ có ở mầm non Nhật Bản
Theo Khám Phá