Mới đây, dư luận đang xôn xao trước vụ việc nữ sinh lớp 8 tên Hoa (13 tuổi) - học sinh một trường THCS Dân tộc Nội trú ở huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) sinh con non tháng chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn (cha của Hoa) do cuộc sống nghèo khó, suốt ngày hai vợ chồng lên núi làm nương rẫy nên ít quan tâm con cái. Mấy ngày trước, thấy con gái kêu đau bụng, vợ chồng ông đưa đi khám thì bác sĩ kết luận thai đã 7 tháng, nguy cơ sinh non nguy hiểm nên phải nhập viện cấp cứu.
Sau đó, nữ sinh này sinh con chỉ khoảng 1,6 kg. Hiện bé trai đang được các bác sĩ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng trong lồng kính. Tình huống bất ngờ khiến gia đình ông Toàn phải chạy vạy vay mượn từ người thân, dân làng và bán rẫy keo để kiếm tiền lo cho con gái, báo Zing thông tin.
Những người mẹ trẻ sinh con trong thiếu thốn, đói nghèo. (Ảnh: Zing)
Cũng theo ông Toàn, cha của đứa bé là cậu con trai mới 16 tuổi. Bố mẹ cậu cũng đến bệnh viện thăm và chia sẻ về việc mang bầu của em Hoa. "Họ bảo đợi con tôi và cháu xuất viện về nhà, hai bên gia đình tính chuyện cưới hỏi cho chúng nó", ông Toàn cho biết.
Nói về vụ việc bà Đinh Thị Bâng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã nơi Hoa sinh sống lý giải, dù có bầu nhưng bé gái vẫn "nhỏ xíu", tính tình ngoan hiền, ít nói nên khi cháu đau bụng gia đình đưa đi khám thì mới biết con mình mang thai sắp sinh non.
Thực tế đây không phải là trường hợp hiếm ở huyện Sơn Tây cũng như các địa phương trên cả nước. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Sơn Tây, ba năm qua, địa phương này có hơn 20 em tảo hôn và 14 trường hợp hôn nhân cận huyết (trong độ tuổi từ 12-15 tuổi) đang theo học tại các trường THCS hoặc không có điều kiện đến trường.
Nhiều giáo viên vùng này cho rằng, nữ sinh cấp 2 "dính bầu" thường xảy ra sau mỗi đợt nghỉ tết, dịp hè. Gia đình đồng bào thiểu số quản lý con cái thoải mái, các em về bản làng vui chơi quan hệ tình dục dẫn đến mang thai.
Trong khi đó, ở các thành phố lớn, khi trẻ vị thành niên mang thai, nhiều bậc cha mẹ đã đưa con đến các cơ sở nạo phá thai để "giải quyết".
Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn SKSS-KHHGĐ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 5 năm 2008-2012, mỗi năm có xấp xỉ 80-100 ca đẻ/nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên.
Tỷ lệ mang thai độ tuổi vị thành niên trong tổng số ca nạo phá thai ở Bệnh viện này chiếm 1-3%. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cũng trong giai đoạn này, tỉ lệ đẻ/phá thai ở độ tuổi vị thành niên cũng chiếm khoảng 2,2-3,4% tổng số ca đẻ/phá thai ở Bệnh viện.
Với con số mang thai và nạo hút thai tuổi vị thành niên như trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ.
Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia dân số lý giải đó là do tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục còn chưa được phổ biến rộng rãi; giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính; tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục không dễ dàng, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên sống ở nông thôn và miền núi.
* Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi.
Tình Nguyên (TH)