Ngày 10/5, Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.
Báo cáo của nhóm làm việc ghi nhận Báo cáo quốc gia của Việt Nam, nội dung phiên đối thoại ngày 7/5 và ghi nhận 320 khuyến nghị do 133 nước đưa ra.
Các khuyến nghị đề cập đến nhiều lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ người dân tộc thiểu số, bảo đảm bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền giáo dục, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền con người và doanh nghiệp, quyền con người và biến đổi khí hậu, tham gia một số công ước quốc tế về quyền con người, hợp tác với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền…
Phát biểu tại phiên thông qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định tầm quan trọng của cơ chế UPR, cho rằng việc triển khai các khuyến nghị UPR qua các chu kỳ bổ trợ cho những nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Việt Nam.
Thứ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các khuyến nghị và thông báo lập trường của Việt Nam đối với những khuyến nghị này trước phiên họp 57 của Hội đồng Nhân quyền.
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các nước, các đối tác và các bên liên quan theo đúng phương châm của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 là “Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người.”
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành trong tổ công tác về UPR sẽ rà soát, đánh giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về lập trường của Việt Nam đối với các khuyến nghị và thông báo trước khóa họp thường kỳ lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 10/2024.
Tại khóa họp này, Hội đồng Nhân quyền sẽ chính thức thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam.