“Những đứa trẻ trong sương” là một bộ phim tài liệu xoay quanh hành trình trưởng thành của Di, một cô bé người H'Mông ở Sa Pa. Ở ngôi làng của Di, các cô gái trẻ người H'Mông phải đối mặt với thách thức kết hôn từ khi còn rất trẻ do tục lệ truyền thống “kéo vợ”.
Bất chấp sự lo lắng và những nỗ lực của người mẹ nhằm giữ cho em tránh khỏi việc kết hôn sớm, vào một ngày đầu năm mới, Di biến mất theo một chàng trai khác. Ba ngày sau, Di trở về cùng nhà trai.
Tuy nhiên, xung đột lên tới đỉnh điểm khi Di quyết định từ chối, không theo chàng trai đó về nhà làm dâu - một hành động có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của cả hai bên gia đình và thậm chí là chính em.
Diễm mất tới 3 năm theo dấu chân nhân vật để hoàn thành “Những đứa trẻ trong sương”.
120 tiếng quay phim, cô chỉ chắt lọc ra khoảng 90 phút để dựng thành một bộ phim hoàn chỉnh. Cô mong bộ phim có thể cho khán giả thấy cuộc sống rất cụ thể của một bé gái ở trong nền văn hóa khác mà bình thường họ ít được tiếp xúc.
Sự tôn trọng đối với văn hóa H'Mông
“Kéo vợ”, hay “coj nyaab” trong tiếng H'Mông, là một phong tục tập quán lâu đời của người H'Mông. Việc “kéo vợ” vốn dành cho các đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai không đủ khả năng đáp ứng thách cưới cao của nhà gái, vì vậy hai người hẹn ước đến với nhau thông qua hành động “kéo vợ”. Cô gái theo chàng trai về nhà vài ngày để sống cùng gia đình chàng trai, sau đó nhà trai sẽ qua nhà gái để hỏi cưới. Tùy từng trường hợp mà gia đình hai bên có thể can thiệp, nhưng quyền quyết định sau cùng vẫn nằm ở đôi trai gái.
Không nhiều tác phẩm điện ảnh lấy phong tục này của người H'Mông nói riêng và văn hóa H'Mông nói chung làm chất liệu chính. Trước đó, ở Việt Nam đã từng có một số bộ phim nổi tiếng lấy cảm hứng từ cuộc sống của người H'Mông như “Vợ chồng A Phủ” hay “Chuyện của Pao”, tuy nhiên lại mắc phải nhiều lỗi sai về tái hiện văn hóa, chưa thể hiện được góc nhìn đa chiều của cộng đồng người bản địa.
“Những đứa trẻ trong sương”, với những thước phim tài liệu chân thật và giàu tính kể chuyện, đã thành công trong việc khắc họa một cách tương đối tự nhiên và hoàn chỉnh về lối sống, văn hóa và suy nghĩ của người H'Mông ở Sa Pa. Xuyên suốt bộ phim là cảnh sinh hoạt hàng ngày của gia đình Di và làng xóm, cảnh mẹ Di nhuộm tấm vải chàm, cảnh Di đi học và lên núi chơi với các bạn đồng trang lứa. Những hoạt động này đều diễn ra rất cởi mở và tự nhiên trước ống kính, cho phép khán giả có cảm nhận gần gũi hơn về bối cảnh của một nền văn hóa khác.
Bên cạnh đó, Diễm cũng tạo không gian cho các nhân vật được bộc lộ cảm xúc và tâm sự của riêng mình, đặc biệt khi thực hành “kéo vợ” diễn ra. Thay vì thể hiện quan điểm từ góc nhìn của một người dân tộc khác, cô để chính những người H'Mông bản địa nói về văn hóa của họ. Những phân đoạn tâm sự với Di, với mẹ Say, hay với Vàng, chàng trai “kéo” Di về, đều rất quý giá, mang tính đa chiều.
Ở một số phân đoạn của cảnh kéo vợ, Di không nói mà lấy tay che ống kính, và đoàn làm phim giữ lại những cảnh quay đó. Điều này cho thấy sự tự chủ của nhân vật khi họ có quyền quyết định sự xuất hiện của mình trên phim.
Quan trọng hơn cả, bộ phim đã thể hiện sự tôn trọng của người làm phim đối với thực hành văn hóa của người H'Mông. Diễm tham gia nhưng hạn chế can thiệp vào cuộc sống của gia đình Di, một điều mà chính cô cũng phải thừa nhận rằng rất khó.
Trong buổi chiếu thân mật ngày 17/3 tại Hà Nội, Diễm cho biết, cô không có đánh giá gì về những thực hành văn hóa diễn ra trong phim. Cô không cho rằng đây là hủ tục mà chỉ đơn thuần coi như một phong tục tập quán, và vì vậy cô cố gắng tránh sử dụng từ “hủ tục” khi miêu tả tục “kéo vợ”.
Những thảo luận xung quanh thực hành văn hóa “kéo vợ”
“Những đứa trẻ trong sương” là bộ phim đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách rút gọn top 15 giải Oscars cho hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, phim cũng được công chiếu và giành nhiều giải thưởng tại hơn 100 liên hoan phim quốc tế khác. Từng đó thành tích đủ để chứng minh sự đón nhận và yêu thích của khán giả quốc tế đối với bộ phim.
Sau khi phim được công chiếu tại Việt Nam, đã có nhiều tranh luận khác nhau xoay quanh bộ phim. Đặt trong bối cảnh tục “kéo vợ” vốn gây nhiều phản ứng trái chiều, bộ phim đã gợi mở nhiều suy luận về vấn đề thực hành văn hóa bản địa trong bối cảnh hiện đại.
Một số khán giả tỏ ra khắt khe đối với những thực hành văn hóa trong phim. Trong một bài viết của mình, nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng có một thứ “uy quyền ẩn danh” đã ăn sâu vào tiềm thức của người H'Mông, khiến nhiều thế hệ phụ nữ H'Mông phải tuân phục. Hành động quyết liệt từ chối chàng trai của Di chính là cách mà cô phá vỡ “uy quyền ẩn danh” đó để tìm cho mình một cuộc sống mới.
Cũng có ý kiến cho rằng, phong tục tập quán nuôi dưỡng suy nghĩ và sự nhạy cảm của chúng ta với thế giới xung quanh, tuy nhiên không phải là bốn bức tường chặn lại những suy nghĩ tự do của Di. “Những tập quán cũ, lối sống cũ không níu chân, kề dao vào cổ bắt chúng ta chịu đựng, nhưng có thể bào mòn những suy nghĩ nguyên bản và độc lập,” khán giả Khánh Vân chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng có những quan điểm cởi mở hơn đối với phong tục truyền thống trên của người H'Mông.
Tuyết Nhi, một khán giả có cơ hội tham gia buổi chiếu phim và giao lưu với đạo diễn Hà Lệ Diễm trước khi phim ra rạp, chia sẻ rằng, thực hành “kéo vợ” trong phim “là một chuỗi hành động mà ở đó người xem thấy được nguyên nhân vì sao lại dẫn đến kết quả chớ không phải một mảnh ghép bị cắt cúp.”
Với Nhi, xem phim không phải để tìm đúng - sai mà là để mình thấy được điều chưa thấy một cách toàn diện, cũng như điều mình có thể thay đổi để đảm bảo việc thực hành văn hóa tiếp diễn trong môi trường lành mạnh hơn.
Trong khi đó, Hà Yến Chi - nghiên cứu sinh ngành Nhân học tại Mỹ và làm việc cho Mạng lưới Tiên Phong vì Tiếng nói người dân tộc thiểu số, cho biết, ngay cả trong chính cộng đồng người H'Mông thì quan điểm của họ cũng rất đa dạng, phụ thuộc vào vị trí và trải nghiệm của họ trong cộng đồng. “Mọi văn hóa luôn biến đổi, sự biến đổi này cần đến từ sự tự quyết của cộng đồng văn hoá, chứ không nên do người ngoài quyết định,” cô kết luận.
“Khi xem phim, tùy vào phông văn hóa và quan niệm sống mà mỗi khán giả sẽ có cách tương tác riêng với bộ phim. Có những người sẽ cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy tuổi thơ của Di biến mất, có người đào sâu vào vấn đề văn hóa, phong tục của người H’Mông,” đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Ngày Nay.
Suy cho cùng, “Những đứa trẻ trong sương” là một bộ phim “vừa đủ” để đưa ra góc nhìn mới mẻ về văn hóa H'Mông, tạo tiền đề cho những thảo luận đa chiều kích khác diễn ra cả trong lẫn ngoài cộng đồng bản địa.
“Những đứa trẻ trong sương” hiện đang được công chiếu tại một số cụm rạp trên toàn quốc.