Tháng 1: Mưa sao băng Quadrantids
Một sao băng từ trận mưa sao băng Quadrantid chụp trên bầu trời New Mexico mới vào những giờ đầu ngày 3/1/2013. - Ảnh: NASA. |
Theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, năm mới sẽ bắt đầu với hiện tượng sao băng Quadrantids, một trong những trận mưa sao băng hàng năm đẹp nhất, đạt cực đại vào tối 2 đến sáng sớm 3/1. Mặc dù ánh sáng từ mặt trăng có thể làm cho bầu trời quá sáng để quan sát các thiên thạch, một số những nơi vẫn có thể nhìn thấy được. Bạn sẽ gặp may mắn hơn khi nếu đang ở phía Bắc bán cầu. Và theo Tổ chức Sao băng quốc tế, so với các trận mưa sao băng khác, cực điểm của Quadrantids rất ngắn, chỉ kéo dài vài giờ vào ngày 3/1.
Tháng 4: Mưa sao băng Lyrids
Một thành viên phi hành đoàn Expedition 30 chụp thiên thạch Lyrid từ trên Trạm Vũ trụ quốc tế vào ngày 22/4/2012. - Ảnh: NASA. |
Mưa sao băng Lyrids là một trong những trận mưa sao băng lâu đời nhất được biết đến. Lần đầu tiên con người nhìn thấy sao băng này từ năm 687 trước Công nguyên. Năm nay, chúng sẽ xuất hiện từ ngày 16 đến 25/4 và đạt cực đại trước bình minh ngày 22/4 sau khi mặt trăng lặn. Theo Earthsky, trận mưa sao băng Lyrids có thể có đến 100 sao băng mỗi giờ, nhưng trung bình có thể có khoảng 10 đến 15 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Theo NASA, mưa sao băng Lyrids có nguồn gốc từ sao chổi C/1861 G1 Thatcher khi những mảnh vỡ không gian tương tác với bầu khí quyển của Trái đất tạo thành. Những thiên thạch tuyệt đẹp này có xu hướng để lại một đám bụi phát sáng có thể được nhìn thấy trong vài giây.
Tháng 5: Mưa sao băng Eta Aquarids
Sao băng Eta Aquarid được chụp tại trạm NASA All Sky Fireball Network ở Tennessee, Mỹ vào tháng 5/2013. - Ảnh: NASA. |
Theo Earthsky, trận mưa sao băng này sẽ mang đến màn trình diễn tuyệt vời nhất cho những ai ở Nam bán cầu. Đỉnh điểm sẽ là một hoặc hai giờ trước bình minh vào ngày 5/5. Nhưng trận mưa sao băng này có "cực đại rộng", có nghĩa là người quan sát có thể bắt gặp một vài thiên thạch bay vài ngày trước và sau khi đạt cực đại thực tế. Theo NASA, những thiên thạch này có nguồn gốc từ sao chổi 1P / Halley, và chúng được biết đến với tốc độ nhanh. Vì di chuyển quá nhanh, khoảng 238.183 km/giờ, nên khi đi vào khí quyển của Trái đất, chúng để lại những "đoàn tàu" phát sáng hoặc đốt những mảnh vụn tạo thành vệt trên bầu trời trong vài giây đến vài phút.
Tháng 5: Nguyệt thực toàn phần
Nguyệt thực "siêu trăng máu" vào ngày 27/9/2015. - Ảnh: NASA. |
Theo Space.com và NASA, nguyệt thực toàn phần hay còn gọi là "trăng máu" sẽ xuất hiện trên bầu trời vào ngày 26/5 và sẽ có thể nhìn thấy từ phía đông châu Á, Australia, các khu vực trên Thái Bình Dương và hầu hết châu Mỹ. Nguyệt thực xảy ra khi bóng của Trái đất chặn ánh sáng của mặt trời phản chiếu lên mặt trăng, bao phủ mặt trăng trong bóng tối. Nguyệt thực chỉ xảy ra khi có trăng tròn; nguyệt thực toàn phần có nghĩa là bóng của Trái đất sẽ chặn hoàn toàn mặt trăng. Nguyệt thực toàn phần cũng có thể khiến mặt trăng chuyển sang màu đồng hoặc đỏ do một số ánh sáng từ mặt trời đi qua bầu khí quyển của Trái đất và bị bẻ cong về phía mặt trăng.
Tháng 6: Nhật thực hàng năm
Vệ tinh Hinode của Nhật Bản, đã chụp được bức ảnh nhật thực hình khuyên này vào ngày 4/1/2011. - Ảnh: NASA. |
Vào ngày 10/6, bạn có thể nhìn thấy "nhật thực hình khuyên", còn được gọi là "vòng lửa". Nhật thực này xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa mặt trời và Trái đất nhưng không che hoàn toàn mặt trời, tạo ra một vòng phát sáng (lửa) xung quanh bóng tối. Theo NASA, nhật thực hình khuyên đặc biệt này sẽ chỉ có thể nhìn thấy ở phía bắc Canada, Greenland và Nga. NASA cảnh báo, không nên nhìn vào mặt trời khi xảy ra nhật thực vì rất nguy hiểm.
Tháng 8: Mưa sao băng Perseid
Trận mưa sao băng Perseid được chụp vào tháng 8/2009. - Ảnh: NASA / JPL. |
Theo NASA, mưa sao băng Perseid được cho là trận mưa sao băng đẹp trong năm. Sao băng Perseid được cho là bắt nguồn từ sao chổi 109P / Swift-Tuttle. Vào thời điểm cực đại, người xem có thể nhìn thấy tới 100 sao băng mỗi giờ. Theo EarthSky, năm nay, mưa sao băng Perseids có thể sẽ đạt đỉnh vào đêm 11 đến ngày 12/8, nhưng cũng có thể quan sát được vào các đêm trước và sau đó. Mưa sao băng này được nhìn thấy rõ nhất từ Bắc bán cầu vào những giờ trước bình minh, nhưng có thể được quan sát sớm nhất vào 10 giờ tối theo giờ địa phương.
Tháng 10: Mưa sao băng Orionid
Một thiên thạch từ mưa sao băng Orionid được chụp vào năm 2015. Ảnh: NASA / JPL. |
Theo NASA, mưa sao băng Orionids được biết đến với độ sáng và tốc độ "được coi là một trong những trận mưa đẹp nhất trong năm". Những thiên thạch có thể di chuyển khoảng 238.183 km/giờ, đôi khi để lại những "đoàn tàu" phát sáng. Theo NASA, các thiên thạch được cho là bắt nguồn từ sao chổi 1P / Halley sẽ có thể nhìn thấy từ cả hai bán cầu Bắc và Nam sau nửa đêm. Vào lúc cực điểm, người xem có thể nhìn thấy khoảng 15 sao băng mỗi giờ trên bầu trời không trăng. Nhưng theo Đài quan sát Griffith, năm nay, trăng gần tròn có thể sẽ khiến người xem khó nhìn thấy. Mưa sao Orionids sẽ đạt đỉnh vào đêm 20 đến ngày 21/10.
Tháng 11: Nguyệt thực một phần
Nguyệt thực một phần được chụp từ đảo Merritt, Florida, Mỹ. - Ảnh: NASA / KSC. |
Theo Space.com và NASA, những người yêu thiên văn có thể xem được nguyệt thực một phần từ châu Mỹ, Úc và một phần của châu Âu và châu Á vào tháng 11 này. Nguyệt thực một phần là nguyệt thực trong đó bóng của Trái đất chỉ che một phần mặt trăng. Đây sẽ là nguyệt thực thứ hai và cũng là cuối cùng của năm 2021. Theo timeanddate, hiện tượng này sẽ diễn ra vào ngày 19/11, bắt đầu lúc 14 giờ 18 phút và kéo dài khoảng ba tiếng rưỡi.
Tháng 12: Mưa sao băng Geminid
Bức ảnh tổng hợp hơn 100 thiên thạch được chụp từ mưa sao băng Geminid vào năm 2014. - Ảnh: NASA / MSFC. |
Theo Tổ chức Sao băng quốc tế, mưa sao băng Geminid sẽ xảy ra từ ngày 4 đến 20/12. Các trận mưa sao băng Geminid "thường là trận mưa sao băng mạnh nhất trong năm". Theo NASA, mưa sao băng này sẽ đạt đỉnh vào đêm 13/12. Người yêu thiên văn quan sát sao băng Geminid tốt nhất vào ban đêm và những giờ trước bình minh và có thể được nhìn thấy trên toàn cầu. Các thiên thạch Geminid có xu hướng sáng, nhanh và có màu vàng; trên thực tế, chúng có thể di chuyển khoảng 127.000 km/giờ. Theo NASA, màn trình diễn sao băng này là "đáng tin cậy nhất" và trung bình mỗi giờ có khoảng 120 sao băng có thể quan sát được trong điều kiện tốt.