Bún nước lèo
Bún nước lèo là đặc sản nổi tiếng nhất của Trà Vinh. Món ăn này có sự kết hợp giữa các nguyên liệu như mắm bò hóc, thịt heo quay và các loại rau sống. Nước dùng của bún nước lèo có vị ngọt tự nhiên từ tôm cá đã làm loãng đi độ đậm đặc của mắm bò hóc khiến cho ngay cả người kén ăn, không quen mùi mắm cũng có thể thưởng thức trọn vẹn.
Từng sợi bún cùng với bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng, rau thơm xắt nhuyễn ngập trong nước lèo là đủ đậm, đủ ngon. Nhưng món ăn còn thêm thịt heo quay xắt miếng vừa miệng, bì giòn, thịt mềm. Mỗi miếng bún đều thơm hành phi, thơm rau, thơm thịt lại vừa thanh thanh vị nước lèo, vừa nồng nàn vị mắm hợp với các loại rau. Món ăn này vô cùng phổ biến ở đây, ngay cả quán nhỏ cũng sẽ không làm bạn thất vọng.
Bánh tét cốm dẹp
Cốm dẹp - đặc sản Trà Vinh - được làm từ nếp non. Những hạt gạo gặt sớm được rang và giã đều tay tạo thành món ăn thơm lừng mùi đồng ruộng. Cốm dẹp làm bánh tét còn trộn với nước cốt dừa trước khi cho vào gói cùng nhân đỗ xanh trộn đường, vani tạo mùi. Người miền Tây gói bánh tét cốm dẹp bằng lá chuối xiêm hoặc lá lùng chứ không dùng lá dong. Và thay vì ninh trong nước, bánh được cho vào nồi hấp cách thủy.
Bánh có lớp ngoài dẻo quyện không kém bánh chưng hay bánh tét ở bất cứ vùng miền nào trên đất nước nhưng còn hương thơm tuyệt vời, ngào ngạt mùi dừa, mùi gạo mới, mùi cốm... thì là độc nhất. Bánh tét cốm dẹp vừa béo vừa ngậy vừa bùi lại ngọt ngọt có thể ăn đến no mà không chán. Đến Trà Vinh, mua chục bánh tét về làm quà là nhất.
Mắm bò hóc
Miền Tây nước quanh năm nên phong phú các loại cá làm nguyên liệu mắm bò hóc, được người Khmer xem như đặc sản đãi khách quý. Từ loại mắm này, người ta có thể chế biến thành nhiều món ngon khác.
Món nhanh nhất và nguyên chất nhất là mắm sống trộn với chanh, ớt, tỏi thêm chút đường gia giảm độ mặn, tăng thêm quyến rũ cho món ăn. Mắm bò hóc - đặc sản Trà Vinh - pha ăn kèm với các loại rau, quả như khế, chuối chát, rau thơm, lá xoài non, đọt cóc hay cải sống, đậu ớt, dưa leo, cà rừng. Vừa gắp miếng rau củ, vừa gạt kèm miếng mắm bò hóc đậm đà ăn cơm ngày mưa là dấu ấn tuổi thơ của nhiều người. Vị beo béo, mặn mà, mùi hương riêng khác như cái tình của vùng đất này, giản đơn nhưng sâu nặng. Người Trà Vinh dù có đi bao xa, đến đâu cũng không thể không nhớ đến mùi vị đặc biệt ấy mỗi ngày mưa trời có mưa lâm thâm.
Chù ụ
Chù ụ thuộc họ nhà cua, nhìn hơi xấu xí với thân hình vuông nhỏ. Đây là đặc sản của vùng Ba Động. Chù ụ không đẹp mắt nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn đẹp lòng du khách.
Không cần nhiều gia vị, bạn có thể thưởng thức chù ụ nướng than. Chù ụ đưa lên lửa sẽ dần chuyển sang màu đỏ, hương thơm ngút ngàn cực kỳ hấp dẫn. Khi chín, trộn chúng với ít rau răm, chấm muối ớt hoặc muối tiêu chanh, đảm bảo ngon quên sầu.
Thịt chù ụ dai mềm và ngọt không kém cua, ghẹ nên còn được hấp bia, rang me. Ngoài ra, người dân cũng hay làm chù ụ kho nghệ, xào hành… Tuy nhiên, vì thân hình nhỏ bé khiêm tốn nên nó không phổ biến và có tiếng như nhiều hải sản khác.
Bánh canh
Lần đầu ăn đặc sản bánh canh Bến Có nhiều người sẽ thắc mắc “sao cho nhiều thịt thế”. Đây chính là điểm đặc biệt của bánh canh Bến Có, tỷ lệ thịt và bánh phải gần bằng nhau. Nhưng nó không khiến người ăn bị ngán bởi ngoài thịt heo, còn có cật, gan, phèo, tim, bao tử, lưỡi, móng, tai heo… Mỗi loại đều mang vị ngon riêng và tạo sự hòa hợp chung trong món ăn.
Tô bánh canh Bến Có - đặc sản Trà Vinh - không quá cầu kỳ nhưng nước dùng ninh từ thịt, xương heo và đảm bảo độ trong nên nhìn rõ từng sợi bánh canh trắng nõn, hành hò xanh mướt, tiêu hạt nhuyễn rắc phía trên với vài lát ớt tô điểm cho món ăn đẹp giản dị.
Gắp bánh canh, húp miếng nước dùng là nghe bụng dạ xốn xang. Chọn lát thịt mỏng chấm vào chén mắm dằm ớt rồi từ từ tận hưởng vị mắm cá nguyên chất hòa với thịt mềm lại càng đê mê hơn.
Bún suông
Bún suông là tên gọi của một loại bún ăn với chả tôm. Tôm tươi được đầu bếp ướp mắm, xay nhuyễn cùng hạt tiêu và nặn thành từng “suông” nên mới có tên gọi là bún suông. Nhìn qua từng suông tôm giống như con đuông và có thể để không thả vào nồi nước dùng đang sôi hoặc chiên với dầu ăn trước khi dọn ra tô.
Nước lèo của món bún này cũng khác biệt, không trong mà có màu nâu của me và tương hạt. Bún suông nhìn vừa đẹp mắt, ăn lại ngon chẳng kém bất cứ loại bún ở địa phương nào. Vị nước dùng đậm đà, chua chua ngọt ngọt dậy mùi tương lan trên đầu lưỡi, vướng vít quanh khứu giác. Khi ấy, cắn thêm miếng suông ngọt tôm và thơm béo sẽ nhận ra ngũ vị đã được đánh thức như thế nào chỉ vì một món ăn ngon.
Cháo ám
Mất khá nhiều công sức để có nồi cháo ám ngon. Cá lóc để nấu cháo phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm nức mũi. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Trong món cháo ám còn có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng.
Cháo ám không thể thiếu sự kết hợp giữa mắm nêm ngon đã được pha, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi, cho thêm tiêu xay, đậu phộng rang giã nhỏ. Đặc biệt, các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn ở trên cũng là phụ liệu cần thiết cho món ăn.
Mùi thơm quyến rũ của tiêu, hành, đậu phộng với cái ngọt thanh của nước, mềm béo trong cá, trứng cá, bùi bùi của mực và tôm kết hợp vị đặm nồng của mắm nêm pha và sự khác biệt khi ăn cùng rau thơm, rau sống thái nhỏ biến cháo ám thành một trong những loại cháo ngon nhất, khác biệt nhất nên thử một lần trong đời.
Trái quách
Trái quách ở Trà Vinh nổi tiếng ngon. Người dân ở đây rất tự hào về loại trái cây này không chỉ ở vị thanh ngọt, mát lành mà dường như với họ, hơn nửa thế kỷ qua, trái quách có mặt và trở thành một đặc sản độc đáo, góp phần làm phong phú hơn danh sách trái cây nơi miệt vườn Trà Vinh.
Hiện nay, cây quách chỉ trồng rải rác trong các phum sóc của người Khmer. Người dân Trà Vinh ưa trái quách mang về trồng, mỗi nhà chỉ vài cây quanh hè lấy bóng mát vá trái. Khách du lịch ngang qua Cầu Kè dễ dàng nhận diện cây quách đứng xen cùng các loại cây ăn trái bởi loại cây nầy thân to, tán rộng, được trồng thành hàng, đặc biệt những trái quách treo lủng lẳng trông như quả bóng nhựa, có nhiều hột nhỏ li ti trên thân màu xám.
Gần giống như trái dừa đã già, không cần nhọc công trèo lên thân cao hái, trái quách khi chín tự rụng xuống đất. Thịt trái quách được bao bọc bởi lớp vỏ cứng nên không dễ gì vỡ ra. Hằng năm cây cho cả trăm quả. Chủ vườn cứ ra gốc cây tha hồ mà nhặt lấy.
Quách mới rụng xuống (vừa chín tới) tuy đã thơm phưng phức nhưng thường người ta để dăm ba bữa, khi quách đã chín mùi, vỏ mềm mới dùng dao xẻ đôi trái, lấy muỗng múc hết ruột quách cho vào ly, thêm đường đánh tan đều, cho đá đã đập nhỏ vào. Đơn giản thế mà lại có được một ly nước thanh mát giải nhiệt. Những ai lần đầu thưởng thức, sẽ khó chịu đôi chút vì chưa quen mùi thơm, vị lạ đặc trưng của quách nhưng uống rồi đến ly thứ hai, thứ ba thì thèm ngay.
Người sành quách không thể bỏ qua món rượu quách. Ở Trà Vinh, những ai trồng quách bao giờ trong nhà cũng có một thẩu rượu quách. Khi có khách quý hoặc người thân đến thăm thế nào cũng mang ra lai rai vài câu chuyện. Rượu quách không những thơm ngon, người uống nếu theo giờ giấc, liều lượng nhất định thì rượu không những là đặc sản mà còn là vị thuốc bổ, giúp con người ta cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng,…
Thường người ta dùng rượu gạo hoặc nếp để ngâm. Có nhiều cách pha chế rượu quách. Chọn những quả chín tròn trịa, mặt ngoài không có vết xước hay thủng sâu. Dùng ruột quách ngâm hòa cùng với rượu, hoặc bổ quả quách ra làm những miếng vừa cho vào chum rượu, cũng có thể dùng dao khoét vài lổ trên trái quách rồi để nguyện trái ngâm với rượu. Dù cách nào đi nữa khi thành phẩm rượu phải trong, còn nguyên mùi thơm của quách mới đạt.
Dừa sáp
Đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp thì đúng là phí cả chuyến khám phá Tây Nam Bộ...
Dừa sáp rất dày cùi, ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp "sáp" chính là lớp cơm dừa dày ra "hút" lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp, deo dẻo. Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch.
Dừa sáp ăn ngon nhất phải nạo ra làm sinh tố. Phải thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào vào thì tuyệt ngon. Theo nhiều du khách đã "kinh" qua thì khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng thì ngọt lịm, còn mũi thì như... nức ra bởi mùi thơm ngào ngạt, beo béo.
Loi choi sả ớt
Về Trà Vinh, bạn đừng quên cái tên “loi choi” khi gọi món ăn. Nhưng khi đã thấy ngon mà muốn mua nhiều mang về không phải dễ.
Loi choi có thân tròn như chiếc đũa, người ta thường ướp muối phơi dốt dốt rồi chiên sả ớt. Món này vô nhà hàng, gọi thử nhấm nháp với bia, rượu xong thì chẳng muốn gọi món gì nữa. Loi choi sống ở vùng giáp nước giữa mặn và ngọt, thoạt nhìn giống như lịch ở vùng nước ngọt, nhưng không có con nào lớn hơn ngón tay út, chúng dài từ 20 đến 40 phân, thân màu trăng trắng và trong suốt. Món loi choi còn tươi sống hoặc đã phơi khô mà đem nướng sơ qua lửa than thì không còn gì ngon hơn. Mỡ từ thân của chúng tươm ra thơm phức, cứ để nguyên con đã uốn cong vì mỡ nóng, đưa lên miệng cắn một miếng, vị béo của mỡ loi choi, hương thơm của sả ớt... nhai sớ thịt loi choi dai dai và một chút rượu nồng đưa cay, thích lắm.
Nem nướng
Nem nướng là món ăn không chỉ riêng Trà Vinh mới có. Nhưng có lẽ, chỉ khi đến Trà Vinh, người ta mới được thưởng thức món ăn này với những nét riêng mà khó địa phương nào có được.
Khi thịt heo vừa được cắt ra vẫn còn ấm, người làm nem lau thịt bằng vải sạch. Sau đó thịt được xắt mỏng và quết bằng cối đá (quết bằng tay) chứ không phải cho vào máy xay như những nơi khác. Thịt được quết đến khi nào chỗ thịt trong cối như muốn "tưng" ra khỏi cối, là được. Mỡ cũng được lau bằng khăn sạch rồi xắt sợi thật mỏng, ướp gia vị vào thịt và mỡ để chỗ có gió cho thịt trong và màu đẹp. Lúc nướng, người ta vò thịt thành từng viên rồi xỏ vào que. Mỗi que thường có năm viên. Ăn nem nướng, ngoài nem dai và vừa miệng, mọi thứ quanh nó đều quan trọng, phải có đủ khế chua, chuối chát xắt mỏng, củ cải trắng, củ cải đỏ và gừng non xắt mỏng ngâm giấm đường; cải xà lách, rau thơm, dưa leo xắt mỏng, dưa tỏi chẻ đôi ăn với nem nướng là loại tương ngon và trong quá trình chế biến phải thêm đường và đậu xanh nấu nhừ để tăng độ béo. Khi ăn, người ta múc 2/3 chén tương và thêm vào một ít giấm ớt, một ít đậu phộng rang đâm nhuyễn. Chỉ riêng phần bánh tráng để gói nem cũng là một kỳ công. Bánh tráng phải là bánh dẻo, tráng bằng thứ gạo ngon. Buổi tối, khi sương đã lành lạnh trong bầu không khí tĩnh mịch, đem bánh ra phơi. Mỗi lượt bánh chỉ được phơi cho nó "dịu" mình, rồi đem vào thùng kín, đậy lại. Lúc ăn, người ta không cần phải rảy nước vào bánh mà bánh vẫn dịu vẫn dai.