Bánh xèo tôm nhảy
Bánh hỏi cháo lòng
Nem nướng, nem cuốn
Nem chợ huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính ở đây vẫn là thịt được chế biến từ heo cỏ nuôi dân dã. Nem có thể ăn với rau thơm, cuốn với bánh tráng, hoặc chỉ ăn mỗi nem để tận hưởng hương vị độc đáo của món đặc sản này. Nem khi được ăn chấm với nước mắm hay nước tương tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nước chấm được ưa thích nhất vẫn là nước chấm được pha loãng với lạc giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt khiến nước chấm sánh, đậm đà.
Nem chua xứ Nẫu
Không có cái vị chua của nem Huế hay nhiều bì như nem xứ Thanh, cũng không ngọt như các loại nem miền Nam, nem xứ nẫu có vị ngọt nhẹ với màu hồng nhạt rất đẹp mắt. Thịt heo được làm sạch, lau khô, thái thành từng lát mỏng, quết thịt nhuyện với các loại gia vị như muối, tiêu, đường, bột ngọt... Gia vị nêm vừa phải đúng liều lượng, bởi mặn quá thì lúc nem chín sẽ không còn hương vị ngọt của thịt nữa.
Nem sứ Nẫu Quy Nhơn luôn được gói trong một lớp lá ổi, mà phải là lá ổi non để có mùi thơm. Múc một lượng thịt vừa đủ, quấn lá ổi quanh thịt. Bên ngoài chiếc nem bọc thêm nhiều lớp lá chuối và dùng dây buộc lại. Nem sau khi gói để nơi thoáng mát qua một ngày là có thể dùng được. Nem Bình Định là món ăn chơi, ăn kèm hay để làm món lai rai đều thích hợp và ngon miệng.
Bánh canh chả cá
Bánh canh chả cá là đặc sản khá nổi tiếng ở Quy Nhơn, được bày bán ở nhiều con phố. Sự độc đáo của bánh canh chính là cách làm bánh, chả và chế biến nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị. Còn sợi bánh làm bằng bột gạo pha với bột mì, khi chín có độ dai và màu trong rất lạ. Nước dùng chủ yếu nấu bằng xương cá, đầu cá tạo ra cái ngọt thanh thanh, để lại cho người ăn cảm giác khó quên.
Không giống như bánh canh ở các nơi khác, bánh canh chả cá Bình Định có hai loại chả mà du khách có thể chọn là chả chiên thơm nồng và chả hấp được giã bằng tay với các loại cá mối, các thác lác... làm nên vị ngọt đậm đà. Khách ăn bánh canh đôi khi không cần quán cầu kỳ, sang trọng mà chỉ ngồi ở vỉa hè mà thưởng thức.
Bánh ít lá gai
Là thứ bánh đơn sơ, mộc mạc và hồn hậu như con người đất võ nhưng hương vị ngọt lành của bánh ít lá gai luôn hấp dẫn du khách. Bánh ít lá gai được sử dụng trong những ngày giỗ, ngày lễ như cưới hỏi, thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ. Bánh được làm bằng bột nếp với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc dừa nạo. Bánh ít lá gai dẻo, thơm, ăn không dính răng với vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo thành một món ăn đậm đà hồn quê Bình Định.
Chình mun Châu Trúc
Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng lớn hơn nhiều, hay có những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ. Nhưng chình mun thì chỉ có ở vùng đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ. Gọi là chình mun vì nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng thơm ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao. Có rất nhiều cách chế biến chình mun, phổ biến vẫn là rô-ti, nấu cà-ri hay tiềm thuốc bắc...
Cá chình nấu măng hay nấu với lá giang là món có tính chất giã rượu. Khi nấu dùng ít nước và hầm kỹ để vị ngọt từ xương chình tiết ra. Chỉ cần đưa thìa canh lên đầu lưỡi, du khách đã cảm nhận được vị ngon, ngọt của chình mun nức tiếng.
Chim mía
Đến Bình Định, du khách sẽ được giới thiệu món chim mía khá hấp dẫn, có nhiều ở vùng Tây Sơn, do đây là vùng trồng nhiều mía. Một số người dân địa phương vẫn có nghề bẫy chim trong những ruộng mía, cung cấp cho các quán ăn, bởi vậy chim mía Tây Sơn thường tươi, ngon, nướng hay quay cả con đều rất ngọt.
Cua huỳnh đế
Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh). Cua huỳnh đế có bộ áo giáp dày và cứng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao khác hẳn với các loại cua khác.
Có nhiều cách chế biến cua huỳnh đế như hấp, nướng… Đặc biệt, người dân địa phương còn chế biến loại cua vua này thành món um mặn ăn với cơm hay nồi cháo cua huỳnh đế có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua.
Mực rim nướng
Mực rim nướng là món ăn hè phố khoái khẩu của nhiều người tại Quy Nhơn. Món ăn dân dã này được chế biến khá đơn giản. Khô mực sau khi được nướng sơ sẽ được tẩm với các loại gia vị như mạch nha, ớt xào, tỏi... cho mực ngấm đều, tạo thành món ăn chơi hấp dẫn.
Bánh tráng nước dừa
Là món ăn nhà quê, những chiếc bánh tráng xứ dừa của vùng đất Tam Quan, Bình Định rất được lòng du khách. Bánh tráng dừa được chế biến từ hỗn hợp bột gạo, nước cốt dừa có xác dừa, mè và muối. Tất cả được trộn đều và đem tráng thành bánh trên nồi hơi. Sau khi tráng, bánh được đem phơi, nếu gặp ngày nắng to thì chỉ cần trong ngày là bánh đã khô.
Điều đặc biệt là bánh tráng dừa chỉ nướng để ăn, vì bánh quá dầy nên không thể nhúng nước như các loại khác. Bánh gặp lửa chín vàng, căng phồng lên thoang thoảng hương dừa rất hấp dẫn. Bánh thường được dùng kèm với mắm ruốc để ăn chơi, ăn với các món gỏi... đều ngon miệng.
Gỏi sứa
Gié bò Tây Sơn
Khi mổ bò, chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm. Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm, cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong.
Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội. Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, cắt cỡ miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié. Trong lúc nấu cho thêm sả cây, gừng nướng, tai vị đập dập để khử mùi. Tiếp đó cho là giang rửa sạch, vò nát để nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được.
Tô gié nóng hổi, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh. Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng. Mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị ngọt thanh của nước dừa, vị đắng nhẹ của gié, vị nhân nhẫn của mật bò ăn với bún và rau sống thật hợp.