Những người kết nối kiên trì

Những người kết nối kiên trì

Bạn có thể gọi tôi là người mơ mộng, nhưng tôi không đơn độc đâu. Tôi mong một ngày kia bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi, và như vậy thế giới sẽ đại đồng. (John Lennon)

________________________________________

Tôi nghĩ rằng thế giới ngày càng rời rạc, và cần tới những người kết nối. Kết nối những nguồn lực tới những nơi cần hỗ trợ; kết nối những vùng miền; kết nối âm thanh tới sự im lặng và đưa ánh sáng đến những góc tối tăm; kết nối trái tim tới trái tim. Sự kết nối là cần thiết, nhưng để kết nối bền vững còn cần kiên trì, không nản chí. Bởi vì con đường kết nối rất nhiều khi là âm thầm, và kết quả không dễ đến trong một sớm một chiều.

Những người kết nối kiên trì ảnh 1

Phó An My là một nghệ sĩ dương cầm đương đại, theo đuổi hướng đi dùng khí nhạc phương Tây để thể hiện âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Những buổi biểu diễn gây tiếng vang như “Bóng”, “Lửa”, “Chèo”, “Gió”, “Độc thoại”… ghi dấu trong lòng công chúng không chỉ với kỹ thuật điêu luyện, mà còn bởi sự sáng tạo thăng hoa với những cung bậc cảm xúc mê cuồng. Ai đó gọi Phó An My là “tiếng dương cầm bão tố”.

Rồi Phó An My làm một cuộc dịch chuyển ít ai ngờ, chị chuyển cả gia đình lên sinh sống tại bản Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, Sơn La, cách Hà Nội 180km - 4 giờ di chuyển bằng ô tô.

Ba năm qua, nghệ sĩ dương cầm đóng vai trò mới. Là kiến trúc sư, tự lên thiết kế nơi ở với nhà sàn, giữa vườn đào mận, trên đỉnh núi. Là người đưa điện, nước, xây dựng đường xá về tận đỉnh núi Chiềng Đi. Là người tổ chức đưa nông sản địa phương về tiêu thụ tại Hà Nội. Và chợ phiên Chiềng Đi, nơi tụ họp của đồng bào dân tộc, trở thành điểm hẹn văn hóa mỗi cuối tuần của huyện Vân Hồ từ năm 2021.

Chưa có gì nhiều nhặn, Phó An My không quảng bá những gì mình đang làm ở Vân Hồ như những show diễn thính phòng từng rất thành công của chị. Nhưng cũng như con đường âm nhạc mà chị đã theo đuổi, con đường kết nối một góc núi rừng Tây Bắc với đồng bằng, với những điều kiện sống ngày càng cải thiện được bồi đắp bền bỉ và chỉ tiến không lùi.

“Cuộc sống đơn giản mà, người dân ở đây dạy cho tôi điều đó từ sức sống mạnh mẽ của họ”, nghệ sĩ Phó An My cười.

Bạn bè của Phó An My, những nghệ sĩ, doanh nhân, nhà quản lý, nhà báo, và những người dân bản địa Vân Hồ đã cùng chị tạo nên một bộ mặt mới cho Chiềng Đi. Những người từ xuôi lên gọi Chiềng Đi với tên thứ hai, là Bản Art-stay, có thể hiểu là Bản Nghệ thuật..

Những người kết nối kiên trì ảnh 2
Những người kết nối kiên trì ảnh 3

Một doanh nghiệp xã hội tuổi đời 10 năm, với 20 người lao động khuyết tật, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn cống hiến rất nhiều cho xã hội bằng sản phẩm, bằng cả sự nhường cơm sẻ áo. Đó không chỉ là sự nghiệp, mà còn là niềm tự hào đúng nghĩa, bởi người sáng lập và vận hành là một cô gái mắc chứng xương thủy tinh, cao 80cm, đến di chuyển cũng phải có người hỗ trợ.

Nguyễn Thị Thu Thương có một nghị lực đáng nể, khi tự lập ra Thương Thương Handmade – cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ giấy cuộn. Mày mò học nghề, làm nghề, tích lũy vốn, rồi quyết chí mua thiết bị, thuê mặt bằng mở doanh nghiệp. Đến nay, Thương đã đưa Thương Thương Handmade trở thành một tên tuổi nhiều người biết đến, không chỉ trong kinh doanh mà cả trong các hoạt động xã hội.

Thương không gọi người lao động của mình là nhân viên, cô gọi họ là “các bạn em”. Họ đều là những người khuyết tật (xương thủy tinh, mất chi, bại liệt…) hoặc bệnh nhân hiểm nghèo (hỏng thận). Đến với Thương, những con người ấy không chỉ được học nghề, mà còn được tạo công ăn việc làm, bố trí nơi ở, thậm chí hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Một mình Thu Thương đóng tất cả các vai, từ dạy nghề, quảng cáo sản phẩm, kiếm đơn hàng, đến liên hệ vận chuyển, kiêm luôn cả kế toán, hạch toán thu chi, cân đối tài chính. Những giai đoạn khó khăn (thậm chí dịch Covid khiến hàng năm trời cô không có đơn đặt hàng), Thương vẫn quyết không để người lao động của mình phải nghỉ việc – nghĩa là cô nuôi họ, theo đúng nghĩa đen.

Nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến Nguyễn Thị Thu Thương, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bé của cô. Và chính Thu Thương cũng là một nhà hảo tâm, thường xuyên ủng hộ các hoạt động tình nguyện, ủng hộ bằng tinh thần lẫn vật chất cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

“Người mang bệnh nặng như em không sống lâu được” – Thu Thương chia sẻ - “Em không sợ chết, nhưng em sợ nếu em nằm xuống, các bạn của em chưa ai thay em làm được tất cả những việc này. Kết nối những nguồn lực, kết nối những con người để cùng làm điều tốt đẹp, không chỉ cần hảo tâm, mà còn cần rất nhiều kiên trì và niềm tin”.

Những người kết nối kiên trì ảnh 4
Những người kết nối kiên trì ảnh 5

Giới trẻ Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ hội nhóm.

Nếu những năm 90, mô hình quán cà phê sinh viên từng lan khắp từng cổng trường đại học, từng khu ký túc xá, tới từng con phố lớn nhỏ. Thì những năm 2000 xuất hiện các tổ hợp quán xá – hiệu thời trang – triển lãm nghệ thuật – câu lạc bộ cùng sở thích (kèm hướng dẫn kỹ năng nhiều bộ môn nghệ thuật).

Một thập niên qua, khi smart-phone, mạng xã hội và trà sữa lên ngôi, sự gắn kết của giới trẻ đột ngột biến đổi theo chiều hướng khác.

“Một thế hệ cúi đầu” là cách nhiều người sử dụng khi nhìn những người trẻ mắt không thể rời màn hình điện thoại, ngay cả khi họ rủ nhau “đi cà phê”, ngồi kín xung quanh bàn. Các nhà văn hóa thưa vắng người lui tới, các lớp dạy nhạc, khiêu vũ, võ thuật… từng thu hút thanh niên bao thế hệ, giờ không thể gom đủ số học viên.

Trong bối cảnh ấy, Kofi xuất hiện ở Hà Nội như một chuyến tàu ngược về quá khứ. Tận dụng diện tích bỏ không đã lâu năm của một xí nghiệp cuối ngõ Thổ Quan, Cao Trung Hiếu xây dựng nên Kofi và gọi là Hội quán. Nguồn thu là bán nước giải khát, nhưng Hội quán Kofi mang lại cho những khách hàng trẻ tuổi sự giải tỏa. Bên nhau, họ chơi guitar, trống, kèn, ca hát nhảy múa. Những sản phẩm thủ công được bày bán, những chiến dịch hoạt động xã hội nhỏ được phát động và lan tỏa bền bỉ.

Nhanh chóng, những “ông bà chủ” khác sát cánh bên Hiếu, bên Kofi, tiếp tục mở rộng, làm phong phú thêm các hoạt động của tổ hợp được gọi là 60S Thổ Quan (Sixty Square). Đó đã là điểm hẹn náo nhiệt và lành mạnh của giới trẻ Hà Nội trong suốt 3 năm, cho đến khi phải trả lại mặt bằng.

Những người kết nối kiên trì ảnh 6

Cao Trung Hiếu dọn đồ đi, nhưng tấm biển hiệu Kofi vẫn mang theo. Một hội quán Kofi khác được mở tại Trung Tự, và những năm tiếp theo là các cơ sở tại Đà Nẵng, Hội An.

Đó là mô hình kinh doanh? Đúng. Nhưng đó là tinh thần mà những người trẻ trong sáng dành cho nhau. Kofi của Cao Trung Hiếu, đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn hội quán trẻ đang sinh hoạt sôi nổi từ Nam ra Bắc. Thế hệ GenZ, và tiếp theo nữa, sẽ có nhiều nơi để sinh hoạt đúng năng lượng và sức trẻ của mình.

Họ kết nối với nhau bằng năng lượng của thanh xuân.

Những người kết nối kiên trì ảnh 7

9 năm trước, khi tình cờ tới Mường Tè, Lai Châu, Ngô Thị Hồng Nhung tình cờ biết một khoảng trống của chính sách hỗ trợ giáo dục. Ở những điểm trường tại bản, vì không phải trường nội trú, nên trẻ không được hỗ trợ kinh phí ăn ở của ngành giáo dục. Về lý thuyết, những điểm trường bản dành cho học sinh đi học tại chỗ (cấp tiểu học, trung học cơ sở), vì thế trẻ có thể đi học rồi trở về nhà trong ngày. Tuy nhiên thực tế không hẳn vậy, ở miền núi dân cư sinh sống rải rác trên địa bàn rất rộng, vì thế nhiều học sinh phải vượt cả ngày đường mới tới được trường học. Điều kiện sống của người dân còn khó khăn, trẻ đi học chỉ được cho ít gạo tự nấu ăn trưa, còn thức ăn thì kiếm trong rừng, thường xuyên là rau rừng chấm muối ớt. Ngay cả những đứa trẻ nhà ở gần trường cũng đói, sau buổi học sáng, nhiều trẻ về nhà và không quay lại tiếp tục buổi học chiều vì đói mệt.

Trở về xuôi, Hồng Nhung trăn trở mãi, cuối cùng nghĩ ra mô hình Cơm trưa cho trẻ đến trường. Cô tính ra mỗi phần ăn ngoài gạo phụ huynh góp, cần có thịt, có rau, theo vật giá địa phương khoảng 7 nghìn đồng. Mỗi tháng (trừ ngày nghỉ), để một học sinh được duy trì 1 bữa ăn trưa mỗi ngày, cần 150 nghìn đồng. Nhung vận động mọi người đóng góp theo các gói, tối thiểu 150 nghìn đồng là được 1 tháng/học sinh, nhiều hơn thì góp 3 tháng, 6 tháng, 1 năm…

Những người kết nối kiên trì ảnh 8

Suốt 9 năm, đến giờ Ngô Thị Hồng Nhung đã có mối quan hệ chặt chẽ với Phòng giáo dục huyện Mường Tè, với giáo viên nhiều điểm trường tại bản trên khắp địa bàn huyện. Mỗi năm hàng trăm học sinh được ăn bữa trưa có thịt, 9 năm là hàng vạn học sinh đã được hỗ trợ ăn ngon để tới trường.

Những nhà hảo tâm đến, rồi đi. Những cộng tác viên đến, rồi đi. Hồng Nhung vẫn kiên trì với chương trình của mình. Hai năm dịch COVID-19 hoành hành, việc quyên góp rất khó khăn, để đảm bảo lời hứa không để trẻ đứt bữa, có những lúc quỹ tài chính không còn xu nào. Hồng Nhung lại xoay xở bán hàng online, và tất nhiên cả bỏ tiền túi (vốn đã chẳng nhiều nhặn gì). Vậy mà như năm 2021, một mình cô vận động được 500 triệu đồng, đổi lấy những bữa cơm trưa đủ chất cho học sinh huyện Mường Tè.

“Cũng phải thông cảm cho những người thiện tâm, con đường này quá dài và không biết bao giờ kết thúc. Đã có những lúc em nản lòng, muốn rời bỏ âm thầm. Nhưng chỉ một cuộc điện thoại của các thày cô trên ấy, em lại mở máy tính, gửi thư mời cho mọi người, rao bán cái này các khác, rồi hạnh phúc thấy những tin nhắn báo tiền về tài khoản. Dù chỉ dăm chục một trăm…”.

Ngô Thị Hồng Nhung chưa bao giờ thống kê tổng số học sinh đã được cô “mời cơm trưa”, bao nhiêu đứa trẻ đã từ đó mà theo đuổi việc học lên cao hơn nữa.

Những người kết nối kiên trì ảnh 9

Bài: Gia Hiền

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?