Đảm bảo 4 quy tắc giữ ấm cho trẻ
Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đợt rét vừa qua số bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương do các bệnh về đường hô hấp gia tăng, chủ yếu là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa.
Còn tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày cũng tiếp nhận khoảng 200-250 bệnh nhi đến khám. Trong đó, bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 30 đến 50%. Trẻ nhập viện chủ yếu vì các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi.
Nguyên nhân khiến số trẻ nhập viện gia tăng do trẻ em là đối tượng nhạy cảm, dễ bị bệnh khi xảy ra rét đậm hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế và dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét, các bác sỹ khuyến cáo: Cha mẹ phải luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là lúc ra ngoài. Nên để trẻ vui chơi nơi kín gió, không nên cho trẻ ra ngoài chơi ở nơi có nhiệt độ thấp hay có gió, mưa; cho trẻ ăn uống đủ chất, hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cảm cúm…
Với trẻ nhỏ, quy tắc 4 ấm cần được đảm bảo đầu tiên là: Tay ấm, lưng ấm, bụng ấm, chân ấm. Khi trẻ mặc quần áo xong, nếu bàn tay ấm không đổ mồ hôi là mặc đồ vừa đủ ấm. Cũng không nên mặc quá 4 lớp áo cho trẻ. Việc mặc quần áo quá nhiều sẽ khiến cơ thể trẻ ra mồ hôi, dẫn đến việc cảm lạnh và viêm phổi do mồ hôi thấm ngược vào bên trong.
Điều cấm kỵ với bệnh nhân đột quỵ
TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu-A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Vào các đợt rét, bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10%-20% so với ngày thường. Trong 4 ngày nghỉ lễ, trong tổng số 130-140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày, có 30-40 bệnh nhân đột quỵ. Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: Tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ.
3 dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ gồm: Người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội; bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo; đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt. Khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi Cấp cứu 115.
Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: Để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp… Đặc biệt tuyệt đối cấm việc uống thuốc khi không có chỉ định của bác sỹ, ngay cả An Cung. Khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt, khi cho uống thuốc sẽ gây nguy hiểm, có thể gây sặc và viên thuốc sẽ trở thành dị vật đường thở cho người bệnh”, TS Chi cảnh báo.