1. Bận “chai lọ” để tiếp khách
Đầu tiên là câu chuyện về vị giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế , ông Ngô Văn Tuân giải thích lý do không có mặt ở phòng làm việc (giờ làm việc) là vì....bận "chai lọ" để tiếp khách.
Ông Tuân trả lời qua điện thoại khi say rượu với phóng viên: “Này…tao ra rồi…tao ra rồi…mà chú mày có biết cái gì không?... thôi mày cứ gặp ông Cao (ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế)… tao biết rồi, tao ra rồi… các chú mày cẩn thận nhá…Mày làm sao làm việc với tao được, tao là bạn ông Th. (một cán bộ cao cấp - PV)… mày làm việc với ông Th. đi…”
Và bất ngờ là hôm sau, khi làm việc trực tiếp, phóng viên thắc mắc vì sao hôm trước trong giờ hành chính nhưng lại bỏ trụ sở đi nhậu và say xỉn thì ông Tuân giả lả: “Tôi đi tiếp khách… có gì xin lỗi anh em… nói anh em thông cảm… chai, lọ vào rồi...”.
2. Không có ùn tắc vì xe vẫn nhúc nhích được
Ngày 29/9/2015, trong buổi họp báo của Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường phủ định việc TP.HCM xảy ra ùn tắc giao thông: “Ùn tắc là xe phải đứng im trong 30 phút, còn các vụ việc kẹt xe kéo dài ở TP.HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được".
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, thảo luận tại HĐND TP HCM sáng 9/12. Ảnh: Zing.vn
Định nghĩa của vị Giám đốc sở giao thông này khiến người dân không khỏi ngao ngán.
3. Sai phạm 1 tỷ là tốt rồi
Trong cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy, chiều 27/1/2015, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhiều lần khẳng định không có sai phạm trong các dự án cầu vượt, do các dự án này được thi công theo cơ chế đặc thù nên mọi tồn tại, thiếu sót sẽ được khắc phục, xử lý khi quyết toán theo đơn giá mới.
Ông Phạm Gia Yên - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: "Không thể thực hiện xây dựng đơn giá, thiết kế, thi công theo cơ chế đặc thù. Chỉ thực hiện chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù. Do đó, tất cả mọi đơn giá, định mức phải được tính toán dựa trên cơ chế thông thường".
Riêng với dự án cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, sai phạm trong công tác thiết kế bản vẽ thi công làm tăng 1,36 tỷ đồng. Ông còn quan niệm một cách rất “thoáng” rằng “một dự án vài nghìn tỷ mà sai phạm có ngần ấy là tốt rồi”.
4. Thử phân bón bằng… miệng
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 17/11/2014, Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Vũ Huy Hoàng trong lúc trả lời cử tri đã phát biểu một câu khiến cả nghị trường cũng như báo chí phải xôn xao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Dân trí.
Cụ thể, trả lời chất vấn của cử tri liên quan đến vấn đề quản lý thị trường trước gian lận thương mại, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, sữa, than, phân bón…, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu một thực tế khiến cả nghị trường xôn xao: “Công tác đấu tranh của riêng Quản lý thị trường đã cố gắng nhưng phương tiện công cụ vừa yếu, vừa thiếu. Một câu chuyện có thật là, ở nhiều nơi thanh kiểm tra, anh em cán bộ phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón!”.
Nghe xong câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Thị Khá lập tức đáp lời: “Câu trả lời của bộ trưởng khiến tôi cảm thấy buồn. Phân bón kiểm định bằng miệng thì tôi xin hỏi bộ trưởng, vậy thuốc trừ sâu được kiểm định bằng gì?”.
5. Hoa quả Trung Quốc nhiễm độc... vẫn an toàn
Vào đầu tháng 6/2014, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phát hiện 17 lô hàng vi phạm. Trong đó có 8 loại gồm 6 loại trái cây và 2 loại củ từ Trung Quốc chứa chất độc hại. Tổng số hoa quả Trung Quốc nhiễm độc bị tuồn sang Việt Nam lên đến con số 300 tấn.
Trả lời phỏng vấn trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phát biểu: “So với mấy triệu tấn nông sản nhập từ nước ngoài vào thì con số 300 tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc vẫn còn thấp”.
Khi được hỏi về việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phát hiện trong 300 tấn hoa quả Trung Quốc nhiễm độc gấp bao nhiêu lần mức cho phép và hiện số hoa quả độc này hiện đang ở đâu, ông Nguyễn Xuân Hồng trả lời: “So với quy định, loại nhiều nhất cũng chỉ cao hơn 2-3 lần. Mức này là cực kỳ an toàn và người tiêu dùng đã sử dụng số hoa quả bị phát hiện nhiễm độc vẫn đang còn rất an toàn”.
Đã nhiễm độc rồi mà lại cứ vẫn an toàn? Khi thông tin về câu trả lời này của ông Hồng đến tai người dân, ai cũng cảm thấy “thật là nực cười”.
6. “Một lớp 40 cháu” và “40 cháu 1 lớp” hoàn toàn không giống nhau?
Trong phiên chất vấn của quốc hội năm 2014, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phát biểu: “Quá trình dạy học đã thay đổi, từ chỗ dạy số đông ang chú ý quá trình phát triển của từng cháu. Trước đây nói dạy 1 lớp 40 cháu, nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo- ông Phạm Vũ Luận. Ảnh: VietQ
7. Đường ốn nước sông Đà sẽ còn vỡ vài lần nữa
Trong buổi họp báo diễn ra vào ngày 19/8 tại Sở xây dựng Hà Nội, nói về vấn đề đường ống nước sông Đà, ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trả lời với báo chí như sau: "Đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà nữa, chắc cũng không phải lần cuối cùng, sẽ còn vỡ vài lần nữa. Đề nghị các cơ quan báo chí thông tin định hướng để người dân hiểu và nắm rõ về sự cố mất nước này".
8. 'Họ hàng cùng làm cán bộ là… ngẫu nhiên'
Liên quan tới phản ánh của báo chí về trường hợp UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có 13 phòng, ban thì hơn 10 phòng ban có trưởng, phó phòng là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện. Vào sáng ngày 29/9/2015, nói về hiện tượng “cả họ làm quan” này, ông Đào Đức Toàn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng cần nhìn nhận một cách khách quan: "Cán bộ trong hệ thống chính trị thường phấn đấu trưởng thành từ cơ sở. Con em cán bộ ở địa phương nào họ lại muốn gắn bó với nơi ấy. Trong một xã, huyện thì quan hệ họ hàng là khó tránh khỏi", ông Toàn phân tích và cho rằng 8-9 người quan hệ họ hàng trong các cơ quan của huyện là "hết sức ngẫu nhiên".
Người dân cũng đành chịu về lý nhưng chỉ có thể là ngẫu nhiên một đến hai trường hợp, đằng này ngẫu nhiên tới 8-9 người như vậy thì dù không muốn cũng đành phải đặt một dấu hỏi ở đây.
Quỳnh Mai (t/h)