Những diễn biến tích cực trên khiến dư luận quốc tế hy vọng hai bên sẽ đánh giá và cân nhắc những thành ý của nhau trước khi ngồi vào bàn đàm phán, qua đó hướng tới một hội nghị đạt kết quả như kỳ vọng.
Nếu không theo dõi sát diễn biến kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, người ta có thể sẽ cảm thấy choáng ngợp và thậm chí "đau tim" bởi những diễn biến mau lẹ và bất ngờ bởi mọi thứ đều có thể thay đổi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tổng thống Trump đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đổ lỗi cho “sự giận dữ và thái độ thù địch” của Bình Nhưỡng làm “trật nhịp” cuộc họp Mỹ-Triều.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 24h sau đó, "ông chủ" Nhà Trắng đã thay đổi thái độ khi nói rằng cuộc gặp vẫn có thể sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, đặc biệt sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đáp lại tuyên bố của Mỹ bằng những lời lẽ đúng mực, mềm mỏng mà không đưa ra thêm bất kỳ lời đe dọa nào, trái lại ông khen ngợi Tổng thống Mỹ và thể hiện sự cởi mở của Triều Tiên với các cuộc đàm phán.
Trong nỗ lực thể hiện thiện chí về việc tiến hành hội nghị, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thảo luận về cách thức cứu vãn hội nghị Mỹ-Triều. Trong cuộc gặp bất ngờ này, hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều phải được tổ chức thành công, và rằng "nỗ lực về việc phi hạt nhân hóa và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên không nên ngưng lại”.
Ngày 27/5, một phái đoàn Mỹ do cựu Đại sứ tại Hàn Quốc Sung Kim, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines, dẫn đầu cũng đã tới Triều Tiên để đàm phán về công tác trù bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Song song với chuyến đi của phái đoàn Đại sứ Sung Kim tới Triều Tiên, một phái đoàn khác của Mỹ do ông Joe Hagin, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng, dẫn đầu đã tới Singapore để chuẩn bị công tác hậu cần và an ninh cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Một loạt diễn biến theo chiều hướng thuận lợi đang khiến dư luận một lần nữa đặt niềm tin vào khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều với kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, dù trước đó tưởng chừng suýt đi đến bờ vực sụp đổ.
Có thể thấy, sau những tuyên bố "ăn miếng, trả miếng" khiến cả hai ngày càng rời xa khỏi "cơ hội vàng" của cuộc gặp lịch sử ở Singapore, cả Mỹ và Triều Tiên đều đang nỗ lực đưa tiến trình đối thoại Mỹ - Triều trở lại đúng hướng. Đối với Tổng thống Trump, việc bất ngờ "đổi giọng" khi nói rằng "đã có những cuộc thảo luận hiệu quả" về việc nối lại hội nghị cho thấy "ông chủ" Nhà Trắng đang chịu nhiều sức ép cả trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, nhìn vào nguyên nhân sâu xa, giới phân tích đánh giá Tổng thống Trump đã đi một nước cờ ngoại giao có tính toán khi thông báo quyết định hủy rồi sau đó lại khơi lại khả năng đối thoại.
Trên thực tế, việc Tổng thống Trump đồng ý gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên là một hành động khác biệt so với những người tiền nhiệm. Khi quyết định tiến tới cuộc gặp, ông Trump đặt mục tiêu sẽ buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, song đây được đánh giá là vấn đề rất khó thực hiện. Mấu chốt của sự "lệch pha" giữa Mỹ và Triều Tiên nằm ở trình tự phi hạt nhân hóa. Với Mỹ, đó là việc Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Trong khi đó, Triều Tiên từ trước đến nay luôn coi việc phi hạt nhân hóa cần được tiến hành từng bước và phải được triển khai trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên theo nguyên tắc "có đi, có lại", nghĩa là Mỹ phải ngừng các cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc và rút quân đội về nước. Những bất đồng khó hòa giải trên khiến khả năng "thất bại tiềm tàng" của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể lường trước.
Có thể đây là "xuất phát điểm" của tuyên bố "hủy cuộc gặp", bởi ông Trump muốn có một sự chắc chắn hơn, và cũng để tạo thêm sức ép với Triều Tiên trước khi bước vào bàn đàm phán. Do đó, việc ông Trump hủy cuộc gặp có thể coi là một "phép thử" phản ứng của chính giới Mỹ, và đương nhiên là cả từ phía Triều Tiên.
Tuy nhiên, cách hành xử mang tính hòa giải và mềm mỏng của Triều Tiên sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy cuộc gặp đã góp phần khiến Washington thay đổi quyết định. Dư luận dường như khá bất ngờ trước những phản ứng hòa dịu của Bình Nhưỡng, nhất là sau khi Triều Tiên đã có những động thái thể hiện rõ rệt thiện chí và trách nhiệm của mình khi dỡ bỏ hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi nước này đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân.
Thay vì lên án và phản ứng gay gắt, Triều Tiên đã bày tỏ lấy làm tiếc trước tuyên bố của ông Trump, song vẫn để ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp vào bất cứ thời điểm nào, dưới bất cứ hình thức gì, mà không kèm theo điều kiện tiên quyết. Điều này phản ánh mong muốn thực sự và nghiêm túc của Triều Tiên về việc hiện thực hóa cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Hơn ai hết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu rằng việc cùng "mặt đối mặt" và đối thoại "ngang hàng" với một Tổng thống Mỹ sẽ khiến vị thế và uy tín của nhà lãnh đạo này nói riêng và Triều Tiên nói chung sẽ được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế.
Đặc biệt, việc làm hồi sinh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều phải kể tới vai trò quan trọng của Hàn Quốc, trước hết là Tổng thống Moon Jae-in với những nỗ lực bền bỉ nhằm cứu vãn tình hình. Trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Moon Jae-in đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đưa quan hệ Mỹ - Triều thoát khỏi những nghi kỵ và tâm lý thù địch tồn tại bấy lâu.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã phải "vận động hành lang" để cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể diễn ra đúng kế hoạch. Kể cả khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tưởng chừng sắp đổ vỡ, ông Moon Jae-in vẫn không bỏ cuộc khi ngay lập tức xúc tiến nỗ lực ngoại giao con thoi với cuộc gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần thứ 2 tại khu phi quân sự liên Triều. Có thể nói, Hàn Quốc đang phát huy rất tốt vai trò "cầu nối" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, trong bối cảnh vẫn còn tồn tại những hoài nghi và bất đồng sâu sắc giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Mặc dù vậy, ngay cả khi những lời lẽ hòa giải có thể làm hồi sinh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng sẽ phải vượt qua những mâu thuẫn không hề nhỏ trong việc định hình một thỏa thuận vũ khí hạt nhân. Nhiều chuyên gia về Triều Tiên vẫn hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh này bởi sự "lệch pha" giữa Mỹ và Triều Tiên khó có thể tháo gỡ trong thời gian ngắn. Mọi thứ đã diễn ra quá nhanh và Washington nên tổ chức nhiều cuộc họp trù bị hơn trước khi đi đến một hội nghị thượng đỉnh chính thức với Triều Tiên.
Rõ ràng, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là điều cần thiết để hai bên hóa giải những bất đồng một cách thẳng thắn, đồng thời là cơ hội duy nhất để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Để đạt được điều đó đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên cần sẵn sàng gạt bỏ những nghi kỵ lẫn bất đồng, cùng nhau xây dựng lòng tin và tìm được "mẫu số chung" để hướng tới mục đích phi hạt nhân hóa, qua đó mang lại nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, như lời Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nói: "Muốn chung tay vì hòa bình thì không thể lệch nhịp"