Nỗi đau của những bà mẹ Palestine mất con

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Raneem Hijazi nhớ lại hình ảnh vừa ôm bụng bầu vừa cố gắng giữ chặt đứa con trai 1 tuổi Azzouz của mình trước khi cuộc không kích xảy ra.
Nỗi đau của những bà mẹ Palestine mất con

Tiếng động cơ máy bay lao vút qua tòa nhà của họ ở Gaza ngày càng to hơn và linh tính mách bảo Hijazi rằng điều gì đó tồi tệ sắp giáng xuống gia đình họ.

Hijazi không nhớ rõ khoảnh khắc va chạm chớp nhoáng đó: “Ngay khi mở mắt ra, tôi đã nằm dưới đống đổ nát.”

Bà mẹ trẻ ngay lập tức nhìn xung quanh để tìm con trai cho đến khi mẹ chồng cô nhìn thấy cậu bé gục trên bụng cô và hét lên.

“Bà ấy bế Azzouz dậy nhưng con trai tôi đã không còn thở”, Hijazi nhớ lại.

Trái tim của Hijazi đã ngừng đập theo đứa con trai bé bỏng. Cô không muốn sống nữa, nhưng gia đình đã gọi nhân viên cứu hộ đưa cô ra khỏi căn nhà đổ nát ở Khan Younis.

“Chân tôi không còn cảm giác gì, trong khi cánh tay chỉ còn dính một mảnh thịt nhỏ”, Hijazi hồi tưởng.

Khi được đưa đến bệnh viện, Hijazi được cho là đã tử vong. Các bác sĩ đã xem xét tình hình thai nhi 8 tháng tuổi trong bụng cô và quyết định mổ để cứu đứa bé trong bụng.

“Khi nghe tiếng khóc chào đời của con, tôi như sống lại. Các bác sĩ nói trường hợp của tôi là một phép màu”, Hijazi kể lại câu chuyện của mình khi nằm trên giường bệnh ở Doha (thủ đô của Qatar).

Cánh tay trái của cô đã bị cắt cụt và cả hai chân đều bị thương nặng cần phải ghép xương để có thể đi lại.

Mặc dù thỉnh thoảng xuất hiện những tiếng rên rỉ đau đớn, hành lang Bệnh viện Hamad ở Doha vẫn tương đối yên tĩnh so với các cơ sở y tế quá tải ở Gaza.

Nỗi đau của những bà mẹ Palestine mất con ảnh 1

Những nữ bệnh nhân người Palestine may mắn được chữa trị tại Doha. Ảnh: CNN

Đằng sau mỗi cánh cửa phòng bệnh là câu chuyện về sự sống sót kỳ diệu nhuốm màu đau thương mất mát không thể nguôi ngoai. Đó là câu chuyện về những người mẹ đang điều trị những thương tích làm thay đổi cuộc sống, họ dần chấp nhận sự ra đi của đứa con của mình và lo lắng không thể chăm sóc tốt cho những đứa trẻ còn lại.

“Khi bị thương, tôi đã nghĩ trong đầu: Tôi không muốn đứa trẻ này, hãy trả lại Azzouz cho tôi”, Hijazi nghẹn ngào. “Tôi tuyệt vọng đến độ không muốn nhìn mặt đứa trẻ chứ đừng nói đến việc chăm sóc nó.”

Tuy nhiên, giờ đây đối với Hijazi, cô con gái Mariam như tia sáng cứu lấy cuộc đời mình, tiếp thêm nghị lực sống cho người mẹ đáng thương.

Một tháng sau, Hijazi đã được sơ tán khỏi Gaza để chữa trị. Cô bé Mariam (gần 1 tuổi) với đôi má phúng phính đang được ông bà ngoại ở Ai Cập nuôi dưỡng. Suốt hơn 6 tháng qua, Hijazi chỉ được nhìn con gái Mariam qua các cuộc gọi video.

Tại Doha, sau rất nhiều cuộc phẫu thuật lớn nhỏ và lời đảm bảo của các bác sĩ về khả năng đi lại, Hijazi cuối cùng cũng được xuất viện.

Ông Hasan Abuhejleh, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Hamad cho biết: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực chỉnh hình hơn hai thập kỷ nay. Từ các loại thương tích, mức độ nghiêm trọng của thương tích, các loại chấn thương về xương và nhiễm trùng mà chúng tôi gặp phải ở các bệnh nhân tại Gaza đều vượt xa những gì tôi từng thấy trước đây”.

Bác sĩ Abuhejleh đã phải thông báo với nhiều bệnh nhân về việc họ cần cắt cụt chi để giữ mạng sống.

Kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, hơn 4.800 người đã được sơ tán khỏi Gaza để điều trị y tế và hàng nghìn người khác trong tình trạng nghiêm trọng đang chờ được sơ tán.

Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc và các tổ chức viện trợ, Israel đã từ chối 42% yêu cầu sơ tán y tế. Trong những ngày gần đây, “động thái đột ngột đóng cửa cửa khẩu Rafah đã buộc tất cả các hoạt động sơ tán y tế phải dừng lại”. Sự chậm trễ trong việc sơ tán y tế đã khiến các bệnh nhân không thể đến bệnh viện Hamad kịp thời.

Giống như nhiều bệnh nhân đến từ Gaza, Shaimaa Al-Ghoul đang phải cách ly vì bị nhiễm trùng kháng thuốc, triệu chứng thường xuất hiện tại các bệnh viện đang quá tải tại khu vực này.

Al-Ghoul đã mất chồng và 2 trong số 4 đứa con trong một cuộc không kích ở Rafah hồi tháng 2. Cô nhớ lại về đêm cả gia đình đang ngủ trong một phòng thì đột nhiên “chiếc giường bị tách đôi và tôi ngã xuống tầng trệt”.

“Tôi nghe thấy giọng Hothaifa (con trai 11 tuổi của Al-Ghoul) cầu xin lực lượng cứu hộ đừng bỏ rơi nó, nhưng không hề nghe thấy tiếng chồng, Jenan hay Mohamed (các con cô), nên tôi biết 3 bố con đã không qua khỏi”, Al-Ghoul kể lại.

Đinh ninh rằng mảnh đạn văng trúng bụng đã cướp đi sự sống đứa con chưa chào đời của mình, Al-Ghoul không ngờ cậu bé Abdullah vẫn chào đời vào ngày hôm sau.

Cậu bé Hothaifa, con trai cô Al-Ghoul, khó nhọc di chuyển chiếc nạng khắp hành lang bệnh viện. Chân cậu bé sưng phù đến mức không thể chịu nổi trọng lượng cơ thể. Em gái 6 tuổi Mariam của cậu không ở cùng gia đình trong đêm kinh hoàng đó, cô bé được sơ tán và máy mắn không bị thương.

Cũng tại bệnh viện, Shahed Alqutati (23 tuổi) vừa hoàn thành bài tập vật lý trị liệu. Chân trái của cô bị cắt cụt và chân phải được bọc trong một khung kim loại cố định các xương bị gãy. Bom đã rơi trúng căn hộ tầng ba của gia đình cô ở phía bắc Gaza vào ngày 11/10 năm ngoái khiến cô và chồng là Ali, một giáo sư đại học 26 tuổi, rơi xuống đường.

Quá bàng hoàng, cô mở mắt ra và thấy chân mình bị rách, máu chảy không ngừng. “Tôi đã cảm thấy biết ơn khi thấy chồng mình vẫn bên cạnh. Nhưng anh ấy mất cả hai chân và một bàn tay”, Alqutati vẫn nhớ như in tiếng hét đầy đau đớn của chồng ngày hôm đó.

Cả hai được đưa đến bệnh viện nhưng Ali đã không qua khỏi. Alqutati cùng lúc phải tiễn biệt tình yêu của đời mình và đứa con mới thành hình của họ.

“Một tuần trước chiến tranh, chúng tôi háo hức chuẩn bị mọi thứ để đón đứa bé đến với thế giới này, từ chiếc tất, bộ quần áo sơ sinh, chiếc tã lót…”, cô kể trong nước mắt. Hai ngày sau cuộc tấn công, các bác sĩ thông báo con gái Sham của cô đã chết lưu trong khi chỉ còn hai tháng nữa cô bé sẽ chào đời.

Tuy nhiên, sự thống khổ chưa buông tha cho người phụ nữ này. Alqutati được đưa đến Bệnh viện Al-Shifa ở Thành phố Gaza để điều trị. Vào tháng 11, quân đội Israel đã bao vây nơi này khiến bệnh nhân và nhân viên y tế không có thức ăn, nước uống trong khi nguồn cung cấp y tế ngày càng cạn kiệt. Hai tuần sau, quân đội Israel buộc họ phải rời khỏi bệnh viện.

Cha của Alqutati đẩy con gái trên chiếc xe lăn hòa vào đoàn người bộ hành trên những con đường bị hư hỏng nặng nề. Họ hoang mang không biết đi đâu, những người như họ “không có nơi nào để đi”. Chờ đợi họ là cuộc hành trình gian khổ dài đằng đẵng.

Khi họ đến được Rafah, vết thương của Alqutati đã chảy máu và nhiễm trùng, nhưng cô sợ phải vào bệnh viện chen chúc với dòng người bị thương trong cuộc xung đột. Cô nói: “Nếu đến bệnh viện, tôi sẽ chết, không còn cơ hội nào để hồi phục.” Vì vậy, cha cô đã băng bó vết thương cho cô.

Chỉ đến khi được sơ tán khỏi Gaza, Alqutati mới được điều trị thương tích thể chất. Cùng với đó là thời gian để xoa dịu vết thương trong lòng. Những video cô chia sẻ trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh vui vẻ về người chồng quá cố của cô.

Ali mỉm cười ngượng ngùng khi nhận ra cô đang quay anh trong một sự kiện ở trường đại học hay chỉ là khoảnh khắc anh dạo quanh cửa hàng tiện lợi.

“Tôi đang gặm nhấm nỗi đau trong cô độc. Bình thường tôi là người mạnh mẽ và lạc quan. Nhưng khi ở một mình, cảm giác đau đến nghẹt thở”, Alqutati vừa nói vừa chỉ vào tim mình.

Những người phụ nữ như Alqutati, Hijazi hay Al-Ghoul đều trải qua nỗi tuyệt vọng của những người dân vô tội khi bị kéo vào cuộc chiến thảm khốc ở Gaza. Giống như nhiều người di tản y tế, họ không chắc chắn về tương lai và nơi họ có thể dừng chân, cùng với đó là nỗi lo lắng cho những người thân bị mắc kẹt ở Gaza.

“Chỉ cần nhắm mắt lại, mọi kỷ niệm về đứa con bé bỏng lại ùa về trong tôi”, Hijazi nói.

Những bà mẹ Palestine đáng thương dành tình yêu vô bờ bến cho các con, hình ảnh về con dù là nhỏ nhất cũng khiến họ không kìm được nước mắt.

“Nỗi đau sẽ không bao giờ biến mất, nó tồn tại mãi mãi trong trái tim những người ở lại. Không người mẹ nào sinh con ra chỉ để mất chúng.”

Theo CNN
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An có vẻ đẹp cảnh quan là các cánh đồng lúa; vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét không thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang đất khu đô thị để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Yêu cầu tỉnh Ninh Bình không làm ảnh hưởng xấu tới Di sản Tràng An
(Ngày Nay) - Liên quan đến đề xuất “xén” một phần cảnh quan thuộc vùng đệm Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An để thực hiện dự án Khu Đô thị Ninh Thắng I của UBND tỉnh Ninh Bình; mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những ý kiến cụ thể, trong đó yêu cầu: không thực hiện chuyển đổi đất nhằm tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tạo nên giá trị của di sản.
Lịch sử của linh vật Olympic
Lịch sử của linh vật Olympic
(Ngày Nay) - Trong vòng hơn 50 năm, các vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic thường được cổ vũ bởi những linh vật độc đáo và ngộ nghĩnh.
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
Mối nguy hại tiềm tàng của mực xăm chứa vi khuẩn
(Ngày Nay) - Theo nghiên cứu mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), mực xăm hình và mực phun xăm thẩm mỹ được được đóng bao bì kín, trong đó có cả những loại được đánh dấu vô trùng, chứa hàng triệu vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh.
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
UNESCO đồng ý đề xuất bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
(Ngày Nay) - Ngày 24/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Chiều 27/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Hà Giang nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, nhân viên lực lượng liên ngành Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Ảnh tư liệu: Trí Dũng
Thực hiện lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi cực Bắc thân yêu của Tổ quốc
(Ngày Nay) - Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã trở thành kim chỉ nam để mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, ra sức giữ gìn, bảo vệ uy tín, sức mạnh của Đảng, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...