Trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn quốc tế lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, ông Putin nhận định tuyên bố của phương Tây rằng Nga có thể tấn công NATO là "ngu ngốc".
Nhưng khi được hỏi về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng loại vũ khí này nếu toàn vẹn lãnh thổ hoặc chủ quyền của nước này bị đe dọa.
“Vì lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng nó”, ông Putin trả lời báo chí. "Chúng tôi có học thuyết hạt nhân, hãy xem nó nói gì. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi cho rằng chúng tôi có thể sử dụng mọi biện pháp theo ý mình. Điều này không nên xem nhẹ, hời hợt".
Học thuyết hạt nhân được công bố năm 2020 của Nga đặt ra các điều kiện mà theo đó tổng thống Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng trước một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc việc sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga "khi sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa."
Nhà lãnh đạo 71 tuổi bác bỏ khẳng định của phương Tây rằng Nga đã sử dụng vũ khí hạt nhân và chỉ ra rằng Mỹ là quốc gia duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh khi ném bom các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.
Putin cảnh báo rằng các quyết định của phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga là một sự leo thang nghiêm trọng và nói rằng những vũ khí như vậy sẽ phải được hướng dẫn bởi các hệ thống và nhân sự phương Tây.
Tổng thống Joe Biden ủy quyền cho Ukraine phóng vũ khí do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga, nhưng chính quyền Washington vẫn cấm phía Kyiv tấn công Nga bằng dòng tên lửa đạn đạo ATACMS, có tầm bắn lên tới 300 km và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp.
Khi được hỏi về các quyết định của phương Tây, ông Putin phân biệt giữa các loại vũ khí khác nhau nhưng nói rằng việc sử dụng tên lửa ATACMS hoặc tên lửa Storm Shadow của Anh chống lại Nga có thể dẫn đến phản ứng cứng rắn hơn từ Moscow.
“Chúng ta sẽ cải thiện hệ thống phòng không và tiêu diệt chúng”, ông Putin nói. "Thứ hai, chúng tôi nghĩ rằng nếu ai đó cho rằng có thể gửi vũ khí như vậy đến vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây rắc rối cho chúng tôi, vậy thì tại sao chúng tôi không có quyền gửi vũ khí cùng loại của mình đến những khu vực trên thế giới, nơi có thể thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở nhạy cảm của những quốc gia làm điều này chống lại Nga. Điều đó có nghĩa là, phản ứng có thể không đối xứng".
"Nếu chúng tôi thấy các quốc gia này đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến chống lại Liên bang Nga, chúng tôi có quyền hành động theo cách tương tự. Nhìn chung, đây là con đường dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng", Tổng thống Nga tuyên bố.
Ông Putin coi cuộc chiến tại Ukraine là một phần của cuộc chiến sinh tồn với một phương Tây đang suy tàn và suy đồi mà ông cho rằng đã làm bẽ mặt nước Nga sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 bằng cách xâm phạm những gì ông coi là phạm vi ảnh hưởng của Moscow, bao gồm cả Ukraine.
Ông chủ Điện Kremlin cũng cho biết phương Tây đã từ chối nói về nguyên nhân của cuộc chiến, mà ông cho rằng bắt đầu vào năm 2014 sau Cách mạng Maidan ở Ukraine. Putin coi đây là một cuộc đảo chính được Mỹ hậu thuẫn.
Các nhà lãnh đạo phương Tây và Ukraine đã hạ thấp những cảnh báo của Nga về nguy cơ leo thang chiến tranh, nhưng lại nhiều lần cảnh báo rằng ông Putin có thể tấn công một thành viên của NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới do Mỹ đứng đầu.
Cả ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều cho rằng xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ là một bước tiến tới Thế chiến thứ ba.
"Các vị không nên biến Nga thành kẻ thù. Các vị chỉ đang làm tổn thương chính mình vì điều này, các vị biết không?", ông Putin nói. "Họ nghĩ rằng Nga muốn tấn công NATO. Các vị có điên không? Họ vững chắc như cái bàn này. Ai nghĩ ra điều đó chứ? Nó hoàn toàn vô nghĩa, các vị biết không? Hoàn toàn rác rưởi".