Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vào chiều nay (21/2).
Đánh giá về kết quả cải cách hành chính (CCHC), Thủ tướng nhìn nhận, có 5 điểm nổi bật. Đầu tiên, thể chế được cải cách, hoàn thiện thêm một bước quan trọng, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Số văn bản nợ đọng ngày càng giảm (năm 2018 số lượng văn bản “nợ ban hành” còn 4 văn bản).
Kết quả thứ hai là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2018, đã cắt giảm, đơn giản hóa đến 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, đạt 54,5%. Ước tính, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng/năm. Cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (68,2%), tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội trên 5.400 tỷ đồng/năm.
Theo Thủ tướng, hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ được thực hiện tốt hơn. “Người dân, doanh nghiệp hỏi vấn đề gì thì chúng ta phải trả lời. Khi đọc đơn, kiến nghị của công dân, tổ chức, hãy đặt mình vào cương vị người viết đơn đó thì mới giải quyết tốt được, chứ vô cảm thì không bao giờ thành công”, Thủ tướng lưu ý và nhìn nhận, công tác này có chuyển biến một bước.
Thủ tướng đánh giá cao việc phát hiện, xử lý hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị mình vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin-cho, vì thế có nghị định phải trả đi, trả lại nhiều lần. “Lãnh đạo các bộ phải tỉnh táo để thủ tục thông thoáng thuận lợi”, Thủ tướng nói.
Thứ ba, đã tập trung triển khai cải cách, tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước và đạt kết quả quan trọng, ví dụ, giảm đầu mối trung gian, khắc phục chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một số việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm, “để giảm tình trạng đi lại nhiều đầu mối phức tạp”.
Thứ tư, cải cách hành chính công đạt kết quả tích cực. Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công được đẩy mạnh. Thủ tướng đánh giá cao một số cơ quan, trong đó có Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tích cực chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Cho rằng công tác CCHC đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội trong năm qua, Thủ tướng biểu dương các bộ, địa phương làm tốt như Bộ Nội vụ làm tốt vai trò cơ quan thường trực về CCHC, Bộ Khoa học và Công nghệ đổi mới sáng tạo, Bộ Y tế giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính cải cách thuế, hải quan, Văn phòng Chính phủ trong tham mưu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính, phát huy tốt vai trò Tổ công tác của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng. Một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, Khánh Hòa… có chuyển biến trong nhận thức và hành động.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, còn một số tồn tại, hạn chế cần nhìn nhận thẳng thắn để làm tốt hơn trong năm nay. Thứ nhất là việc triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, đồng bộ. Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng “trục trặc”, "trên bảo dưới không nghe".
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Thủ tướng nêu rõ, cuộc giao ban hằng tháng mà “chỉ nói tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả chứ không nhắc thủ tục hành chính thì anh em không cải cách đâu. Lãnh đạo phải nhắc các vụ, cục chậm trễ, phải phê bình thì mới tiến bộ”.
Thủ tướng cũng nhắc đến tình trạng có văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, thậm chí văn bản được ban hành có dấu hiệu trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng.
Một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ tiếp xúc với người dân, có thái độ phục vụ còn bất cập, chưa thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại, tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng kéo dài vẫn còn. Cho biết tình trạng tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân ở cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập vẫn còn, Thủ tướng nêu rõ, kiểu làm việc như thế là không thể chấp nhận, phải lên án.
Thủ tục hành chính một số lĩnh vực rườm rà, còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức... Đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương còn dai dẳng, chưa thể giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng dẫn ra Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có 5 bất cập chủ yếu trong thủ tục hành chính là: Trình tự thực hiện phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện; thiếu mốc thời gian trong trình tự thủ tục hành chính; thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài; tiêu chí xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ. Đây chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.
Khắc phục tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”
Định hướng giải pháp năm 2019, Thủ tướng nêu rõ, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật. Điều khiến Người đứng đầu Chính phủ trăn trở và mong muốn có sự chuyển biến mạnh mẽ là yếu tố con người, là tinh thần hành chính phục vụ người dân.
“Khi một công dân mất, chính quyền địa phương mang giấy báo tử đến cho gia đình họ, đồng thời có chính sách hỗ trợ về mai táng phí và các hỗ trợ liên quan. Một em bé sinh ra thì địa phương tặng một bó hoa và chúc mừng. Làm được những việc như vậy người dân rất hoan nghênh. Còn nếu như người đã chết mà người thân đi xác nhận báo tử mấy lần cũng khó khăn thì làm sao tin chính quyền như vậy được. Những việc cụ thể nhỏ của chính quyền cơ sở đối với công dân rất quan trọng. Thế mới là cải cách. Cải cách là phải làm tốt hơn, không được có thái độ cửa quyền, hách dịch, ban ơn”, Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một số Nghị định của Chính phủ, trong đó có Nghị định 59 về theo dõi thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Bộ tiêu chí để theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật tại các bộ, ngành, các địa phương.
Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, khắc phục tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”. Khẩn trương công bố các thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao.
“Phải làm cho thủ tục thuận lợi nhất với người dân, thông qua mạng điện tử hay là giao dịch khác, chứ không phải cứ chuyên viên trình phó phòng, phó phòng trình trưởng phòng, trưởng phòng trình vụ phó, vụ phó trình vụ trưởng, vụ trưởng trình thứ trưởng, rồi lên bộ trưởng…”, Thủ tướng nói và đề nghị phải đổi mới phương thức làm việc.
Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý và đặc biệt là chú trọng, nâng cao chất lượng một cửa, một cửa liên thông như hiện nay một số địa phương đang làm.
Cần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị công lập theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế. Tập trung cải cách công vụ, công chức. Xây dựng khung khổ pháp luật về Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghiên cứu cách thức để tiến tới giao kết quả cải cách thủ tục hành chính như là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong thi đua.