Theo đó, việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, tổng giá trị 8.889,8 tỷ đồng sẽ được hủy bỏ. Các cổ đông đã chuyển nhượng sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. MobiFone cũng trả lại những gì đã nhận chuyển nhượng.
Nếu một trong những yêu cầu chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong xử lý vụ mua bán này là “thu hồi tài sản Nhà nước” thì rõ ràng, thỏa thuận hôm qua đã tái lập trở lại tình trạng ban đầu của cả hai bên. Cho dù, phía “nhà nước”, ở đây là MobiFone, sẽ còn phải có trách nhiệm đối với việc tài sản ngót 9 ngàn tỉ đồng trong suốt 2 năm qua, sẽ còn phải trả lời câu hỏi về hiệu quả đồng vốn.
Nhìn nhận dưới giác độ pháp lý, việc chuyển nhượng cổ phần AVG theo hợp đồng 2512 thực chất là một giao dịch dân sự giữa cá nhân cổ đông nắm tuyệt đại đa số cổ phần AVG và MobiFone. Việc MobiFone không trả đủ tiền (còn thiếu 5% giá trị hợp đồng), có thể phát sinh một vụ kiện dân sự. Cái cách hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng hôm nay, cũng có thể xem như là hi hữu khi AVG muốn giải quyết theo hướng “đảm bảo uy tín cho cả hai đơn vị” và "sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này".
Tuy nhiên, vì bên nhận chuyển nhượng là một DNNN (MobiFone) cho nên vấn đề quan trọng nằm ở việc chứng minh sự ngay thẳng hay không trong việc thực hiện thương vụ này, như yêu cầu của Ban Bí thư “các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật...".
AVG là một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chuyển nhượng sang MobiFone, những rắc rối liên tục phát sinh khiến cả AVG và MobiFone liên tục bị tổn hại về uy tín, chưa kể những đồn đoán, xì xào trong dư luận.
Việc hủy bỏ hợp đồng hôm nay có thể là một lối thoát cho những bùng nhùng suốt hai năm qua, nhưng chỉ thực sự có ý nghĩa chừng nào các cơ quan chức năng kết luận là không có gì đằng sau con số ngót 9 ngàn tỷ kia.
Theo Lao động