Tính đến 19 giờ ngày 6-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 3.308 người tử vong do dịch COVID-19, 96.739 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 5-3, số ca tử vong tăng 98 người, số ca nhiễm tăng 3.423 người.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết đã có 53.953 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 1.859 người so với ngày 5-3.
Dịch COVID-19 nay đã có mặt ở 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất vẫn là châu Á với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và TQ. Tuy nhiên, châu Âu cũng đang nổi lên các điểm nóng đáng báo động ở Pháp, Ý và Đức.
Được biết tỉ lệ tử vong trung bình của virus vẫn được các chuyên gia ước tính ở mức tương đối thấp, từ 1% đến hơn 3%. Dù vậy, trong báo cáo điều tra nhân khẩu về nhóm độ tuổi có nguy cơ tử vong vì COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây phối hợp cùng một số cơ quan TQ đã có hai phát hiện đáng chú ý: Khả năng tử vong tỉ lệ thuận với độ tuổi và tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 10 tuổi là bằng không, theo hãng tin AFP.
Tỉ lệ tử vong tăng dần theo độ tuổi
Cụ thể, đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất là người trên 80 tuổi với tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm lên đến 21,9%. Tỉ lệ tử vong cũng tăng dần theo nhóm tuổi với 0,2% ở đối tượng 10-39 tuổi; 0,4% của nhóm 40-49 tuổi; 1,3% của nhóm 50-59 tuổi; 3,6% của nhóm 60-69 tuổi và 8% cho nhóm 70-79 tuổi.
Báo cáo về các ca tử vong bên ngoài TQ cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, đến 60% nạn nhân tử vong tại Ý đều tầm 80 tuổi và không ai dưới 60 tuổi. Một số người đã mắc sẵn các vấn đề tim mạch và một số bệnh lý nền khác.
Ngoài ra, tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm ở những người có tiền sử bệnh án về tim mạch chiếm 10,5%; tiểu đường chiếm 7,3%, bệnh hô hấp mạn tính chiếm 6,3%; huyết áp cao chiếm 6%; ung thư chiếm 5,6%. Những người không có tiền sử bệnh án có tỉ lệ tử vong là 0,9%.
Trong khi đó, tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm của nam giới cũng cao hơn tỉ lệ tử vong trên ca nhiễm ở nữ giới với các tỉ lệ theo thứ tự là 2,8% và 1,7%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên do dẫn đến sự chênh lệch này.
Bí ẩn khả năng chống dịch của trẻ em
Một phát hiện đáng chú ý từ báo cáo của WHO là rất ít trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi nhiễm COVID-19 (chiếm chưa tới 1%) và không có ca tử vong nào ở nhóm tuổi này được ghi nhận trên toàn thế giới.
“Từ tất cả những gì chúng ta thấy, có thể nói bệnh dịch chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn. Một số báo cáo từ TQ cũng như nhiều nước khác đều đến từ các bệnh viện dành cho người lớn chứ không phải bệnh viện nhi hoặc chúng tôi chưa thấy được các dữ liệu đó” - PGS Richard Martinello thuộc ĐH Yale (Mỹ) cho biết.
Dù chưa có lời giải đáp chính thức từ giới chuyên môn, tờ The Guardian cho biết đang tồn tại hai giả thuyết có thể dùng để giải thích hiện tượng trên: Trẻ em ít khả năng bị phơi nhiễm ngay từ đầu hoặc có điều gì đó khác biệt về cách cơ thể trẻ em phản ứng với virus.