Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Sau đại học Okinawa (OIST), loài động vật không xương sống có thể có mối liên hệ với con người từ thời kỳ bùng nổ kỷ Camrian, cách đây 550 triệu năm.
Loài giun biển màu hồng nhạt có bộ gen không giống với các loài giun đất, giun dẹp hay côn trùng khác. |
Giai đoạn này bắt đầu hình thành nên các loài sinh vật phức tạp với hệ thống tiêu hóa chuyên biệt.
Kết quả nghiên cứu từ hai loài giun biển Ptychodera flava ở Hawaii và Saccoglossus kowalevskii ở Đại Tây Dương cho thấy, 14.000 gen của chúng giống với gen người tới 70%.
Trong đó nhóm 8.600 gen được cho là có liên quan đến sự phát triển của hầu - đường nối giữa khoang mũi với miệng và cổ họng, ở cả giun hang và các loài động vật có xương sống.
Mặc dù nhóm gen này xuất hiện ở cả giun hang và con người, nhưng chúng không tồn tại ở các loài côn trùng, bạch tuộc, giun đất và sán.
Tiến sĩ Oleg Simakov, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Phát hiện này rất cần thiết trong việc lấp đầy khoảng trống trong sự hiểu biết của chúng ta về một tổ tiên chung của các loài động vật miệng thứ sinh".
"Phân tích đã cho chúng ta một cái nhìn ban đầu về những tổ tiên thời kì Cambrian, sự liên kết và tiến hóa của chúng đối với con người”.