Liên quan đến vụ trao nhầm con 42 năm trước tại một nhà hộ sinh ở Hà Nội, mới đây, Công an quận Ba Đình thông báo với chị Tạ Thị Thu Trang về việc tìm được một số người chào đời vào ngày 10/10/1974, có thể là nhân thân của chị này.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, chị Trang nói: "Công an đã gặp những người này và cố gắng tiếp xúc thêm những trường hợp khác. Theo các anh công an trao đổi, họ cần thời gian động viên những người có thể là bố mẹ, anh chị em tôi đi thử ADN mới đưa ra kết quả cuối cùng", chị Trang nói.
Chị Trang tâm sự, bản thân rất phấn khởi nhưng cảm xúc đan xen là rối bời, lo lắng vì chưa biết được kết quả cuối cùng ra sao.
Trong niềm vui mừng lẫn hồi hộp, chị Trang cũng vui mừng cho biết thêm, có một trường hợp đã gọi điện tới chia sẻ thông tin về mối nghi ngờ nhầm lẫnsau khi báo chí đưa tin về hoàn cảnh của mình.
"Khi biết thông tin qua truyền thông đại chúng, gia đình cô gái sinh cùng ngày tháng năm sinh với tôi bảo sao tôi giống em gái của cô ấy thế, giống không khác một điểm gì nhưng cô ấy lại không giống nhà tôi hiện tại", chị Trang tiết lộ.
Theo chị Trang, nhìn chị và cô em gái của người phụ nữ sinh cùng ngày với mình khá giống nhau, thế nhưng người này lại không giống ai trong nhà bà Hạnh nên cô ấy tỏ ra lo sợ. Chị Trang kể lại, để biết chính xác đó có phải là người thân thực sự của mình hay không, chị đã mang mẫu đi giám định ADN, bên trung tâm họ bảo ngày 15/3 sẽ báo kết quả. Hôm nay, hai bên gia đình đã chia sẻ rất nhiều, khóc cũng rất nhiều.
Gia đình trên thấy nhiều điểm khá trùng hợp nên đã đến ngỏ ý nhận con khiến chị rất cảm động.
Chị Trang (thứ 2 từ trái qua) cùng gia đình cập nhật tin tức về sự việc. Ảnh: Zing.vn
Trước đó, Công an quận Ba Đình đã thông qua việc sàng lọc tàng thư và có trong tay danh sách 600 người phụ nữ sinh cùng ngày 10/10/1974.
Ngày 11/3, cơ quan công an này đã đến nhà chị Tạ Thị Thu Trang để gặp gỡ, trao đổi các vấn đề liên quan.Tuy nhiên, do thông tin trên tàng thư chỉ ghi ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh chung là ở Hà Nội, chứ không ghi cụ thể nơi sinh là nhà hộ sinh nào nên việc rà soát, xác minh từng người cần phải có thời gian.
Xác định đây là vấn đề quan trọng và mang tính nhân đạo, Công an quận Ba Đình đang tập trung lực lượng cho việc rà soát, xác minh và tìm hiểu về số phụ nữ trên.
Hiện, gia đình bà Hạnh và chị Trang vẫn đang rất hy vọng vào sự giúp đỡ của cơ quan công an quận để tìm thêm manh mối vụ việc.
Như thông tin đã đưa, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, thông qua mạng xã hội đã nhờ cộng đồng cung cấp và tìm kiếm thông tin về người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh Ba Đình.
Theo đó, ngày 10/10/1974, cách đây 42 năm bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Khi đó, bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Thắc mắc, bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33 sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng, trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ.
Suốt những năm đó bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng không yên, nhưng đứa con nhận "nhầm" vẫn được gia đình bà hết mực thương yêu. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất, bà Hạnh mới chịu nói đến chuyện quá khứ, mong tìm lại đứa con thất lạc, cũng như tìm lại gia đình của chị Trang.
Q.Mai