Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Trái đất rắn JGR hôm 23/12, lớp tuyết này được tạo thành từ các hạt sắt nhỏ. Chúng rơi ra từ lõi nóng chảy bên ngoài của Trái đất và chồng chất lên phần đỉnh của lõi bên trong.
Ông Jung-Fu Lin, giáo sư tại Trường Khoa học Địa chất Jackson tại Đại học Texas, tác giả của nghiên cứu cho rằng, chúng ta nắm được nhiều thông tin về lớp vỏ Trái đất nhưng phần lõi bên trong vẫn là một bí ẩn.
"Đó là một điều đáng để suy nghĩ. Các tinh thể ở phần lõi bên ngoài rơi xuống lõi bên trong ở khoảng cách vài trăm km", ông Nick Dygert, đồng tác giả nghiên cứu nói.
Nghiên cứu so sánh lớp sắt "tuyết" với khoang magma, hồ đá lỏng lớn bên dưới bề mặt Trái đất. Trong các khoang magma, các khoáng chất sẽ nén lại tạo ra thứ mà các nhà nghiên cứu gọi là "đá tích lũy".
Phát hiện mới này có thể giúp các nhà địa chất hiểu rõ hơn về cách các hành tinh như Trái đất hình thành.
"Nghiên cứu cho phép chúng ta đi tới kết luận về các thành phần có thể có trong lõi chất lỏng và có thể kết nối thông tin này với các điều kiện phổ biến tại thời điểm hành tinh được hình thành. Điều kiện khởi đầu là một yếu tố quan trọng để Trái đất trở thành hành tinh mà chúng ta biết", Bruce Buffet, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học California nói.