Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra rằng cơ chế hình thành dấu vân tay của con người không nằm sâu trong da mà tương quan với sự phát triển của các chi.
Phát hiện được đăng tải trên tạp chí Cell số ra cuối tuần qua đã cung cấp các manh mối di truyền về cách con người thu được dấu vân tay độc nhất của họ và có thể giúp phát hiện các bệnh di truyền ở trẻ sơ sinh.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), Đại học Phúc Đán, Đại học Edinburgh (Anh) cùng các viện nghiên cứu tại Mỹ, Ấn Độ và Australia đã quét bộ gene của hơn 23.000 người.
Qua đó, họ nhận thấy 43 locus gene (vị trí gene trên phân tử ADN) có liên quan đến dấu vân tay hoặc các gene trong nhiễm sắc thể của con người và khá nhiều trong số này chưa từng được ghi nhận trước đây.
Nhà nghiên cứu Wang Sijia tại Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe thuộc CAS, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết những gene này có liên quan đến quá trình phát triển chân tay nói chung, thay vì quá trình phát triển trên da như suy đoán trước đây.
Các cộng sự khác tiết lộ một biến thể gần gene EVI1, có liên quan đáng kể đến các dấu vân tay trên ba ngón tay giữa của con người. Nghiên cứu của họ đã đưa ra lời giải thích về mặt sinh học cho việc ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út của có những đường vân gần giống nhau.
Các thí nghiệm trên chuột và mô bào thai người cho thấy yếu tố tạo điều kiện cho gene EVI1 biểu hiện ra bên ngoài là các tế bào trung mô có liên quan tới các chi hơn là các tế bào biểu mô có liên quan tới da.
Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng các mẫu vân tay có tương quan về mặt di truyền với tỷ lệ bàn tay.
Một số bệnh bẩm sinh được phát hiện có liên quan đến các kiểu dấu vân tay cụ thể. Do đó, các nhà nghiên cứu kỳ vọng phát hiện mới này của họ có thể được chuyển đổi thành các công cụ lâm sàng nhằm giúp chẩn đoán sớm bệnh lý ở trẻ sơ sinh./